Mơ cạnh tranh EURO 2020, Copa America thất bại thảm hại

Hoàng Gia

Nếu không có sự kiện Lionel Messi giành danh hiệu đầu tiên cùng Argentina, Copa America có lẽ chẳng còn gì đáng nói so với EURO.

Chung kết bạo lực

"Brazil gặp Argentina còn hơn cả một trận đấu đơn thuần. Chỉ riêng màu cờ sắc áo của hai đội đã khiến cả thế giới phải ngưng lại để dõi theo. Chúng đại diện cho lịch sử của cả Brazil và Argentina", trung vệ Marquinhos chia sẻ trước thềm chung kết Copa America.

messi 5 17082081
Messi vô địch Copa America. 

Brazil 5 lần vô địch thế giới. Argentina sở hữu 14 chiếc cúp Copa America. Cầu nối giữa bóng đá Brazil và Argentina còn có cả lịch sử, văn hóa và truyền thống đối đầu vượt khỏi khuôn khổ bóng đá. Sự góp mặt của cả hai, trong hoàn cảnh nào, cũng thôi thúc cả thế giới đón xem.

Nhưng, những ai lỡ đặt kỳ vọng vào một trận chung kết Copa America đỉnh cao, có lẽ khó tránh khỏi cảm giác thất vọng. 90 phút trên sân Maracana như một buổi diễn nghèo nàn, với chất lượng bóng đá ở mức trung bình thấp và rất ít tình huống đáng để nhắc lại

Hình ảnh hậu vệ Gonzalo Montiel chiến đấu với đôi chân đỏ máu được viện dẫn sau trận như vẻ đẹp của tinh thần chiến binh. Messi trước đó cũng chơi hơn nửa giờ đồng hồ với mắt cá thấm máu qua lớp tất dày.

bai viet 24 07283715 1
Trận chung kết thừa bạo lực, thiếu hấp dẫn. 

Tuy nhiên, vệt máu đỏ của cả hai là đầu ra của cỗ máy bóng đá được bôi trơn bằng lớp dầu bạo lực. 6 cầu thủ Colombia nhận thẻ vàng bởi phạm lỗi với Messi ở trận bán kết. Ở trận chung kết, đến lượt Brazil và Argentina tạo ra hỗn chiến. 41 pha phạm lỗi trong 90 phút, với 22 cho Brazil và 19 cho Argentina.

Trung bình 2,2 phút, trận đấu lại bị bẻ vụn một lần. Con số này nhiều hơn số tình huống nguy hiểm, rê dắt thành công và sút xa nguy hiểm. Trong các trận đỉnh cao, 4 đến 5 phút cho mỗi lần phạm lỗi là con số lý tưởng. Brazil và Argentina ở rất xa cột mốc này.

Ngoài ra, trận đấu có 9 thẻ vàng, đồng nghĩa cứ 10 phút, trọng tài phải rút thẻ cảnh cáo một lần.

Hai đội phải mất 22 phút để có tình huống đáng xem đầu tiên, đó là bàn thắng của Angel di Maria, nhưng tạo ra tới 8 tình huống phạm lỗi trong khoảng thời gian này.

Copa America thua kém EURO

Giữa một đội không có cách để thắng (Brazil) và một đội bế tắc trong việc triển khai ý tưởng chiến thắng (Argentina), chức vô địch chỉ được chuyển từ đội "dở ít" sang đội "dở nhiều". Trận chung kết giữa hai đội giỏi nhất, tưởng như sẽ cứu lại sự hấp dẫn cho giải đấu, giờ trở thành cái kết không viên mãn cho Copa America.

neymar 1 10294362
Neymar không vực dậy nổi Brazil. 

Ban tổ chức Copa America không giấu ý đồ cạnh tranh sức hút với EURO. Hai giải đấu khai mạc với thời điểm tương đồng (EURO diễn ra từ 12/6, Copa America diễn ra ngày 13/6), tổ chức chung kết cũng chỉ hơn kém nhau 1 ngày. Chung kết Copa America trùng đúng ngày tổ chức chung kết EURO 2016 cách đây 5 năm.

Tổ chức cùng thời điểm, Copa America đứng trước canh bạc. Nếu giải đấu uy tín, hấp dẫn, có nhiều trận hay (hoặc ít nhất có trận chung kết đáng xem), bóng đá Nam Mỹ sẽ có vốn liếng để đặt cạnh EURO.

Song, trận chung kết Copa America như một tấm gương phản chiếu cả giải đấu. Tính hấp dẫn gần như không tồn tại. Những đội bóng chiếu dưới như Colombia, Venezuela, Bolivia, Paraguay,... không tạo nên câu chuyện thú vị kiểu Đan Mạch, Cộng hòa Séc hay Thụy Sĩ ở EURO.

Ngôi sao sáng nhất giải đấu là cái tên quen thuộc: Messi. Trong khi đó, rất khó nhìn ra xu hướng chiến thuật mới mẻ tại Copa America.

Trên mọi khía cạnh, không chỉ thua kém trên khía cạnh hình ảnh (từ khóa "chung kết Copa America" chỉ có 93 triệu lượt tìm kiếm, bằng một phần ba từ khóa "chung kết EURO"), Copa America còn không so được về chất lượng thực tế. Không có cách quảng bá nào tốt hơn cho giải đấu bằng đẳng cấp, thực lực của nó.

neymar 3 10303701
Neymar là ngôi sao theo trường phái lãng mạn hiếm hoi còn lại của Brazil. 

Với số lượng đội tham dự ít ỏi, cộng với số trận đấu hấp dẫn, đẹp mắt đếm trên đầu ngón tay, Copa America chỉ còn là giải đấu hạng hai nếu đứng cạnh EURO.

Chất lượng thua sút của Copa America như một phóng chiếu cho thấy chiều dịch chuyển của bóng đá Nam Mỹ, khi các cầu thủ giỏi nhất đều sang châu Âu xây dựng sự nghiệp. Chỉ 1/22 cầu thủ xuất phát ở trận chung kết Copa America đang chơi bóng tại Nam Mỹ.

Người ta sẽ đặt câu hỏi: cầu thủ Nam Mỹ sang châu Âu từ nhiều năm nay, tại sao giờ mới trở thành vấn đề của Copa America?

Hãy nói về quá trình dịch chuyển. Trước đây, thế hệ của Ronaldo, Ronaldinho, Ricardo Riquelme,... mang chất phóng khoáng và tự do sang châu Âu để làm mềm mại hóa thứ bóng đá truyền thống của lục địa già.

Giờ đây, các cầu thủ Nam Mỹ muốn tồn tại ở châu Âu, buộc phải tiết chế phẩm chất kỹ thuật, ngẫu hứng, mà phải chơi theo các khuôn mẫu hệ thống chiến thuật phức tạp hơn. Họ phải học cách di chuyển, pressing, hạn chế cái tôi để phục vụ lợi ích tập thể.

messi 3 10001669 1
Messi là sản phẩm của bóng đá Nam Mỹ, nhưng chỉ được nâng tầm trong cái kỷ luật, khoa học của bóng đá châu Âu. 

Các cầu thủ Nam Mỹ dần chơi như một cỗ máy. Những ngôi sao theo trường phái "jogo bonito" như Neymar ngày càng ít, mà thực dụng như Roberto Firmino, Richarlison, Gabriel Jesus,... ngày càng nhiều. Một Brazil ngẫu hứng, đẹp mắt trở thành dĩ vãng, nhường chỗ cho đội bóng thực dụng và toan tính thành hình dưới bàn tay Tite.

Chất riêng phai nhạt, bóng đá Nam Mỹ dần phải chạy theo châu Âu, về cả đẳng cấp kỹ - chiến thuật, khoa học thể thao đến hạ tầng cơ sở vật chất. Để rồi Copa America từ chỗ là niềm tự hào, giờ trở thành sân chơi để cầu thủ "chào hàng". Đây là sân chơi hạng hai, không có gì để so sánh với EURO cả.