Chọn người 'kiếm tiền' cho VFF

Hoàng Gia

Vị trí không thể thiếu

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đội tuyển quốc gia nghỉ thi đấu do các giải quốc tế dời sang năm 2021. Những hoạt động chính của bóng đá chủ yếu là ở các giải chuyên nghiệp quốc gia. Phải rất vất vả, VPF mới có thể đưa giải đấu về đích sau nhiều lần tạm dừng vì dịch bệnh. Trong suốt mùa giải, không ít lần các nhà quản lý bóng đá phải đối diện với câu hỏi: Tổ chức giải hay không tổ chức giải? Áp lực hủy giải lớn đến mức Chủ tịch VPF phải đánh cược cả chiếc ghế của mình vào đó.

Lần đầu tiên có một số Chủ tịch CLB công khai đăng đàn đòi dừng cuộc chơi. Nhưng một trong những vấn đề đau đầu nhất của VPF là làm sao trả quyền lợi đủ cho nhà tài trợ. Đó là quãng thời gian mà Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cùng HĐQT VPF đã phải đàm phán với các nhà tài trợ không giảm kinh phí tài trợ, thay vào đó, số trận đấu ít đi nhưng việc quảng bá được đẩy đậm lên. Một mùa giải mà nhiều thời điểm người ta không dám tin vào khả năng về đích. Nhưng cuối cùng, V.League 2020 lại là mùa giải hấp dẫn nhất, thành công nhất và lấy được lòng tin nhất. Điều đó có vai trò rất quan trọng của người quản lý khi vẫn duy trì được nguồn kinh phí, không mất lòng nhà tài trợ và hứa hẹn giải đấu sẽ càng ngày càng được nhiều đối tác coi trọng và tài trợ hơn.

Từ vai trò của nhà quản lý VPF cho thấy VFF lúc này thực sự rất cần 1 người đủ tâm, đủ tầm để có thể ngồi vào chiếc ghế Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính.

Cuộc đua có nóng?

Đại hội thường niên VFF năm 2020 khóa 8, nhiệm kỳ 2018- 2022 sẽ được tổ chức ngày 21/11/2020 tại Hà Nội. Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội lần này là bầu ra chức danh Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF. Kể từ đầu nhiệm kỳ của khoá VIII đến nay, VFF đã đương đầu với nhiều thử thách. Ghế PCT phụ trách tài chính VFF bị khuyết từ cuối tháng 6/2019 sau khi ông Cấn Văn Nghĩa từ chức. Trong thời gian qua, người tạm thời phụ trách công tác này là Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn.

Thực tế những gì đang diễn ra trong lúc này cho thấy, dù rất loay hoay nhưng VFF không thể tìm được những ứng viên thực sự sáng giá, hứa hẹn mang tới sự đột phá về công tác tài chính.

Trước đó, các tổ chức thành viên của VFF giới thiệu 6 ứng viên đua tranh ghế PCT VFF phụ trách tài chính, Tuy nhiên, 3 ứng viên xác nhận không tham gia ứng cử, nên chỉ còn 3 người đua tranh là ông Phạm Thanh Hùng - Ủy viên BCH VFF, Trưởng ban Bóng đá nữ khoá VIII; ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Cacao Việt Nam và ông Lê Văn Thành, Ủy viên BCH VFF, Trưởng ban Tài chính và vận động tài trợ VFF khóa VIII.

So với những tên tuổi từng ngồi ghế Phó Chủ tịch VFF trước đây như ông Lê Hùng Dũng hay Đoàn Nguyên Đức, danh sách này kém ấn tượng hơn rất nhiều. Trong cả 3 cái tên này thì ông Lê Văn Thành - người 3 lần ra tranh cử nhưng... toàn thua. Chừng đó cũng thấy vai trò của ông Thành với giới bóng đá không lớn dù ông đang là Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền. Cùng với đó, cũng có ý kiến cho rằng Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam do ông làm chủ tịch cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc kiếm tài trợ thì liệu ông có giúp nổi VFF không?

Còn dấu ấn của ông Phạm Thanh Hùng - Chủ tịch của CLB Quảng Ninh khi quản lý đội tuyển bóng đá nữ thường xuyên phải “móc tiền túi” ra để thưởng cho các cô gái. Ông Hùng cũng mất điểm sau vụ cho CLB Hải Phòng mượn người ở giữa mùa giải 2020.

Riêng ứng viên thứ ba, ông Trần Văn Liêng, dù quả quyết sẽ mang đến cho VFF một luồng gió mới và chắc chắn sẽ mang về cho VFF kế hoạch kiếm tiền hiệu quả nhưng không phải là người quen thuộc với giới bóng đá và điều đó khiến nhiều CLB tỏ ra hoài nghi.

Chính bởi vậy, cả 3 cái tên này thực sự chưa thể thuyết phục được nhiều người, bởi người mà VFF cần lúc này là có tiền và giỏi kiếm tiền để chuẩn bị cho năm 2021 với nhiều sự kiện quan trọng của bóng đá Việt Nam.