Đỗ Hùng Dũng, “free man” của HLV Park Hang-seo

Hoàng Gia

Nghĩ về Hùng Dũng, ta nghĩ tới một cầu thủ như thế nào? Với phần lớn CĐV của đội tuyển Việt Nam, Hùng Dũng là một tiền vệ phòng ngự đơn thuần. Dù các CĐV của Hà Nội FC biết rằng Dũng có thể làm được nhiều hơn thế, việc số đông CĐV của đội tuyển “nhầm lẫn” như vậy cũng là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Trong các đội bóng của ông Park Hang-seo, gần nhất là đội tuyển Việt Nam ở AFF 2018, Dũng quả thật được yêu cầu chơi như một cầu thủ đánh chặn trước mặt hàng thủ.

Nhưng ông Park, như các CĐV Hà Nội FC, biết rằng Dũng có thể làm được nhiều hơn thế. Cùng với sự sa sút của Xuân Trường, vị HLV người Hàn Quốc hiểu rằng đã tới lúc ông khai thác nhiều hơn những phẩm chất tấn công của Hùng Dũng. Nếu Hùng Dũng chơi tốt khi được đẩy lên gần khung thành, ông Park có thể kéo Quang Hải xuống vị trí tiền vệ trung tâm, từ đó giải quyết được bài toán triển khai và kiểm soát bóng đã khiến ông và ban huấn luyện đau đầu suốt một thời gian dài.

Và nếu ông Park còn chút nghi ngờ nào về khả năng của Hùng Dũng trong vai trò mới, ông có thể quên chúng đi sau những gì mà cầu thủ của Hà Nội thể hiện trong hơn 120 phút của trận đấu với Jordan.

Trên thực tế thì Hùng Dũng vẫn xuất trận ở vị trí của một trong hai tiền vệ trung tâm, bên cạnh Huy Hùng, trong sơ đồ 5-4-1 khi không có bóng của Việt Nam. Nhiệm vụ của anh vẫn là che chắn không cho đối phương triển khai bóng qua trung lộ. Và gây sức ép, tranh chấp với mục tiêu phá, đoạt bóng khi đối phương đưa được bóng tới gần vòng cấm. Hùng Dũng gây ra quả phạt gián tiếp mà từ đó Jordan mở tỉ số chính là Hùng Dũng trong vai trò này.

Sự đặc biệt chỉ xuất hiện khi Việt Nam có bóng. Như đã nói, triển khai bóng qua hàng tiền vệ trở thành một vấn đề lớn của đội tuyển Việt Nam khi Xuân Trường không còn thể hiện được phong độ tốt. HLV Park Hang-seo từng cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách kéo Quang Hải xuống đá như một tiền vệ trung tâm ở Asiad 2018. Nhưng đó có thể xem là một thử nghiệm không thành công, do Hải thiếu nhiều phẩm chất của một tiền vệ trung tâm, và khi có anh, tuyến giữa mất hẳn sự chắc chắn. Ngoài ra, kéo Quang Hải quá xa vòng cấm của đối phương cũng khiến Việt Nam mất đi tính sáng tạo và sự đột biến trong những pha tấn công.

Thời gian gần đây, ông Park xoay sang thử nghiệm một giải pháp khác, vẫn liên quan tới vai trò của Quang Hải. Nhưng thay vì cố định cầu thủ mang áo số 19 ở trung tâm hàng tiền vệ, ông sử dụng anh như một tiền vệ tổ chức “thời vụ”. Khi Việt Nam có bóng Hải vẫn lùi xuống để tổ chức, nhưng ngay sau khi đưa được quả bóng lên phía trên, anh cũng sẽ lập tức dâng cao, trở lại với vị trí tiền vệ tấn công quen thuộc. Với cách sắp xếp mới, Hải sẽ phải tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, nhưng cái lợi là đối thủ không thể theo kèm anh, và khi Hải nhận bóng ở tình huống tiếp theo, anh có thể bao quát được toàn bộ phần sân phòng ngự của đối thủ.

Lẽ đương nhiên, khi Hải lùi xuống, thì sẽ có một người phải dâng lên, vừa để không giẫm chân với Hải, vừa để duy trì sự hiện diện ở những khu vực “nhạy cảm”. Ở trận đấu với Iran, người được chọn là Xuân Trường. Nhưng cầu thủ của HAGL có vẻ không thoải mái với nhiệm vụ với anh là khá lạ lẫm này, và anh vẫn có xu hướng lùi xuống để xin bóng, do đó lại giẫm chân với Hải. Người được chọn tiếp theo chính là Hùng Dũng. Và có vẻ như ông Park đã quay trúng ô “độc đắc”.

1 1 1024x429

Hình ảnh trên cho thấy một cách triển khai quen thuộc của Việt Nam trong trận đấu với Jordan. Khi Việt Nam có bóng, Quang Hải lùi xuống rất sâu, thậm chí sâu hơn cả tiền vệ phòng ngự còn lại là Huy Hùng, để nhận và triển khai. Trong khi đó, Hùng Dũng đã dâng lên rất cao. Có thể thấy là Dũng di chuyển với ý đồ kéo một trong hai tiền vệ phòng ngự của đối phương xuống sâu, từ đó tạo ra một khoảng trống ở tuyến giữa của đối thủ. Quang Hải, sau khi chuyền bóng đi, sẽ lập tức di chuyển tấn công vào khoảng trống này:

2 2 1024x418

Việc có một cầu thủ như Hùng Dũng xuất hiện gần hàng phòng ngự của đối phương có nhiều tác dụng. Thứ nhất, anh sẽ ghim các hậu vệ và có thể cả tiền vệ phòng ngự của đối phương xuống, để ngăn không cho họ thu hẹp khoảng cách với hàng tiền vệ, mở ra không gian chơi bóng cho các đồng đội. Thứ hai, nếu lên bóng thành công, chúng ta sẽ có sẵn một cầu thủ có khả năng tranh chấp tốt ở sát vòng cấm của đối phương, sẵn sàng đón lõng các tình huống bóng hai, hoặc gây sức ép ngăn không có đối phương phản công. Từ những tình huống đón lõng bóng hai như thế, Hùng Dũng đã có hai pha dứt điểm rất nguy hiểm, một ở cuối hiệp một, và một ở giữa hiệp hai.

Trong điều kiện thuận lợi, Hùng Dũng sẵn sàng tìm kiếm và nhận bóng trong những khoảng trống trong hệ thống phòng ngự của đối phương, ở vị trí bình thường thuộc về Quang Hải. Đây thực tế mới là cách chơi quen thuộc của Hùng Dũng ở Hà Nội FC. Ở đó, với những đồng đội có khả năng phòng ngự tốt ở phía sau như Thái Quý hay Moses, Hùng Dũng thường được dâng cao để chơi như một tiền vệ công, và những pha phối hợp giữa anh với hậu vệ phải Văn Kiên trở thành một miếng đánh quan trọng của Hà Nội FC.

3 2 1024x428
Hùng Dũng chơi cao nhất trong số 3 tiền vệ, ở vị trí Quang Hải hay chơi

Nhưng vai trò đáng nói nhất của Hùng Dũng trong lối chơi mà HLV Park Hang-seo đang cố gắng xây dựng là một free man – người tự do. Với nhiều HLV thì chiến thuật bóng đá dù đơn giản hay phức tạp đều có thể quy về một “khẩu quyết” – tìm kiếm “free man”. Sự xuất hiện của một free man có thể tạo ra sự vượt trội về quân số cho đội bóng ở khu vực mà đội bóng đó muốn kiểm soát – ví dụ ở biên hay ở trung lộ – và mở ra những hướng thoát bóng hiệu quả mà đơn giản. Những pha di chuyển người thứ ba (third man run), mà HLV Solskjaer đang áp dụng tốt ở Man United, chính là một cách ứng dụng thực tế rất phổ biến của khái niệm “free man”.

4 2
Sự xuất hiện của free man Hùng Dũng đã giúp Văn Đức có thêm một hướng để thoát bóng, sau khi đối thủ đã tạo được thế 3vs3 ở trung lộ.

Chính những pha di chuyển người thứ ba táo bạo của Hùng Dũng đã giúp Việt Nam không ít lần khai thác được khoảng trống sau lưng hàng phòng ngự của Jordan. Việc có thêm một người chịu khó di chuyển ra sau lưng hàng thủ đối phương (ngoài Văn Đức) là rất quan trọng, nhất là khi tiền đạo đá chính là Công Phượng. Số 10 của Việt Nam có xu hướng giật lại để nhận bóng, nên lối chơi của chúng ta thường bị thiếu chiều sâu (depth). Khi nhận thấy lối chơi của chúng ta không đủ chiều sâu, đối phương có thể thoải mái đẩy hàng thủ cao lên, gần với hàng tiền vệ hơn, bóp nghẹt không gian chơi bóng của các cầu thủ tấn công của chúng ta.

5 2 1024x566

Hình ảnh trên cho thấy một pha di chuyển người thứ ba xuất sắc của Hùng Dũng. Khi Duy Mạnh và Trọng Hoàng còn đang phối hợp bên cánh phải, Dũng đã chạy một mạch từ vị trí tiền vệ trung tâm về phía cột cờ góc để sẵn sàng nhận bóng như một tiền đạo phải. Ở tình huống này, có ít nhất hai cầu thủ của Jordan bị pha di chuyển của Hùng Dũng lôi kéo. Họ buộc phải lùi lại để lấp vào khoảng trống mà Dũng định khai thác. Cầu thủ có bóng của Việt Nam được đặt trước hai lựa chọn tốt, hoặc là tiếp tục giữ bóng để phối hợp do đã tạo được thế 3 đánh 2 tạm thời, hoặc chuyền một chạm cho Hùng Dũng, như thực tế đã xảy ra.

Chính những pha di chuyển như thế của Hùng Dũng là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt về mặt thế trận giữa hiệp 1 và hiệp 2. Ở hiệp 1, Dũng có vẻ chưa thoải mái lắm trong vai trò còn khá mới với anh, chưa kể tâm lý chung của cả đội vẫn là e dè trước đối thủ, nên không dám dâng lên quá nhiều. Hệ quả là chúng ta không thể đẩy được đội hình lên, các wingback có rất ít cơ hội để áp sát một phần ba sân phòng ngự của đối thủ, do đó lối chơi không có đủ chiều rộng (width). Nhưng sang hiệp hai, cả Văn Hậu lẫn Trọng Hoàng đều túc trực bên phần sân của Jordan, vừa mở rộng được biên độ cho những pha tấn công, vừa đẩy đối phương xuống sâu hơn.

6 2 1024x420

Tình huống dẫn tới bàn gỡ hòa của Công Phượng là một kiểu phối hợp như thế. Trước khi Trọng Hoàng có pha tạt bóng chuẩn xác vào trong, Hùng Dũng đã di chuyển ra gần đường biên để chơi như một tiền vệ cánh. Sự có mặt của Hùng Dũng khiến cho tiền vệ trái của Jordan lưỡng lự không dám áp sát Trọng Hoàng. Cầu thủ người Nghệ An, do đó, có đủ thời gian để thực hiện tới hai nhịp đẩy bóng, trước khi nắn nót thực hiện cú tạt vào trong. Hoàng đã có một khoảng thời gian vàng, và chính Dũng là người đã “mua” cho anh khoảng thời gian vàng đó.

Nói chung, cùng với Quang Hải và hai wingback, Hùng Dũng là người phải cáng đáng một khối lượng công việc nặng nề nhất của đội tuyển Việt Nam ở trận đấu với Jordan. Anh vừa là người tranh chấp để bảo vệ khu vực trước mặt hàng thủ, vừa tham gia triển khai bóng, lại vừa góp mặt trong những pha tấn công. Làm được cùng một lúc từng ấy việc không phải là điều dễ dàng. Nhưng từ trận Jordan mà nói thì Dũng đã hoàn thành quá tốt nhiệm vụ. Dù không phải ai cũng nhận ra tầm quan trọng của anh trên sân.

Thời gian tới, Dũng có thể sẽ còn thể hiện ấn tượng hơn nữa khi được chơi nhiều hơn, quen vị trí hơn. Hi vọng, tới lúc ấy, chúng ta sẽ có lời giải cho bài toán hàng tiền vệ đã khiến HLV Park Hang-seo đau đầu suốt cả thời gian dài vừa qua.