Hành trình thuyết phục HLV Alfred Riedl dẫn dắt đội tuyển Việt Nam

Hoàng Gia

Dưới thời huấn luyện viên Alfred Riedl, tuyển Việt Nam không có danh hiệu vô địch nào. Tuy nhiên, thành tựu của chiến lược gia người Áo đã giúp tuyển Việt Nam vươn mình, trở thành thế lực thực sự trên bản đồ Đông Nam Á.

Trò chuyện với Zing, nguyên Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Phạm Ngọc Viễn kể lại hành trình đưa HLV Riedl đến Việt Nam, đồng thời chia sẻ về những khó khăn của bóng đá nước nhà thời chập chững bước lên chuyên nghiệp.

Mối duyên từ một chuyến đi công tác

Ông và VFF bắt đầu mối lương duyên với HLV Riedl như thế nào?

- Sau SEA Games 1997 ở Indonesia với chiếc huy chương đồng, HLV trưởng đội tuyển Việt Nam lúc ấy là Colin Murphy (người Anh) xin trở về nước. Đến tháng 2 năm sau, ông Murphy vẫn không trở lại Việt Nam. Sau đó, chiến lược gia này mới báo với VFF là bận lý do gia đình nên không tiếp tục được.

Lúc ấy, chúng ta cần một HLV ngoại khác dẫn đội. VFF tìm đến nhiều hồ sơ của các ứng viên. Trong một lần sang Malaysia họp, tôi có gọi ông Roland Klein ở Công ty Klein&Lam, chuyên môi giới về tài trợ bóng đá ở Việt Nam đầu những năm 1996, 1997.

Sáng hôm sau, tôi đến trụ sở công ty, gặp trực tiếp ông Klein. Ông ấy nói sẽ gửi cho tôi hồ sơ của các HLV. VFF mà ưng ý thì mới trao đổi trực tiếp. Ông Klein đã giới thiệu HLV Alfred Riedl, người được giới thiệu là đoạt danh hiệu Chiếc giày Đồng châu Âu khi còn là cầu thủ. Đọc lý lịch của Riedl, tôi báo cáo lại lên lãnh đạo VFF để trao đổi. VFF thấy hồ sơ đẹp, mọi thứ đều tốt.

pham ngoc vien
Ông Phạm Ngọc Viễn từng giữ nhiều vị trí quan trọng ở VFF và VPF. Ông cũng là người trực tiếp đàm phán đưa HLV Riedl về Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến.

Mọi thứ tiến hành có vẻ thuận lợi?

- Đúng vậy, trong khi Công ty Klein thu xếp điều khoản hợp đồng, tôi gọi điện trao đổi với ông Riedl, đồng thời nói về việc tuyển Việt Nam sẽ dự Tiger Cup 1998 ở Malaysia.

Sau khi Thường trực VFF xin ý kiến của Ủy ban Thể dục Thể thao thì tháng 5/1998, HLV Riedl tới Việt Nam. Ông ấy làm quen với đội luôn. Ngày 1/6/1998, ông Riedl cầm tuyển Việt Nam đá giao hữu với Botafogo của Brazil.

Đến Tiger Cup 1998, tuyển Việt Nam đoạt huy chương bạc. Đáng lẽ, ta đã có thể giành huy chương vàng. Tình hình khi đó thuận lợi, bởi đối thủ mạnh nhất là Thái Lan đã bị Việt Nam hạ ở bán kết.

Bóng đá Việt Nam khi ấy chưa có nhiều thành tựu. Ông đã thuyết phục HLV Riedl như thế nào?

- Ông Riedl nhờ tôi tư vấn về bóng đá Việt Nam khi có thông tin môi giới gửi đến. VFF thích HLV Riedl vì ông ấy là cầu thủ nổi tiếng (đá ở Áo, Bỉ), từng huấn luyện nhiều nơi. Khi nói chuyện với tôi, ông Riedl hỏi: “Viễn ạ, tôi chưa biết ông, nhưng muốn xin ông lời khuyên về bóng đá Việt Nam”.

Tôi đáp lại: “Bóng đá là môn thể thao số một ở Việt Nam. Từ lãnh đạo tới người dân đều yêu bóng đá, nhưng trình độ của đội chưa được cao lắm. Ở Đông Nam Á, hai giải gần nhất chúng tôi chỉ xếp thứ 3 và thứ 2 thôi (HCB SEA Games 1995 và 1997, hạng ba Tiger Cup 1996). Đội tuyển Việt Nam ở top 3-4 Đông Nam Á, trình độ chưa cao. Khi sang Việt Nam, ông sẽ phải nỗ lực nhiều”.

Tôi cũng cam kết hỗ trợ mọi thứ cho HLV Riedl. Ông ấy nghe thế thì nhận lời và sang Việt Nam làm việc.

riedl
HLV Riedl giúp Việt Nam đứng hạng nhì Tiger Cup 1998 và SEA Games 1999. Dưới thời chiến lược gia này, các đội tuyển Việt Nam có 4 lần về nhì ở cấp độ Đông Nam Á.
Đồ họa: Minh Phúc.

Ông Riedl đã đúng khi nói về bóng đá Việt Nam

Ấn tượng đầu tiên của ông với HLV Riedl là gì?

- Ông Riedl bằng tuổi tôi, cũng tuổi Sửu. Những ai tuổi Sửu đều hiền lành, thẳng thắn (cười). Ông Riedl hợp với tôi trong cách nói chuyện, trao đổi, đó cũng là thuận lợi.

Có người nói thời của HLV Riedl không thuận lợi, công việc bề bộn vất vả. Điều này có đúng không?

- Họ nói không sai. Điều kiện làm việc của HLV Riedl hồi đấy khó khăn. Số lượng trợ lý cho ông Riedl cũng hạn chế, bởi chúng ta chưa có điều kiện kinh tế, VFF cũng ít được tài trợ. Điều kiện ăn ở, tập luyện không thể bằng bây giờ. Khi ấy, đội chỉ tập ở Trung tâm Nhổn, tập luyện ở trong Nam ngoài Bắc đều hạn chế như thế. Công tác đào tạo trẻ chưa phát triển, cầu thủ tập huấn chuẩn bị cho giải trong thời gian ngắn.

HLV Riedl bảo nếu huấn luyện kỹ thuật cho cầu thủ thì không có thời gian mà tập. Cầu thủ phải được đào tạo kỹ năng từ trẻ, lên tuyển chỉ tập chiến thuật để hình thành lối đá, không thể tập như CLB được. Do đó, HLV Riedl mới nói “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”.

Khi HLV Riedl nói “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”, quan chức liên đoàn hay những người ở CLB có tự ái, phản ứng tiêu cực không?

- Có thể có người tự ái, nhưng thực tế đúng như HLV Riedl nói. Công tác đào tạo trẻ hạn chế. Các CLB không có tuyến trẻ, may ra có SLNA sở hữu hệ thống đào tạo theo chương trình mục tiêu của Tổng cục Thể dục Thể thao năm 1993 nên họ làm lớp lang, bài bản.

Ở các CLB khác, có đội thì chỉ có đội một, không có đội trẻ. Có đội chỉ phát triển một đội trẻ. Cơ sở vật chất của CLB cũng không được như bây giờ, khó khăn khi ấy nhiều quá.

riedl viet nam
HLV Riedl giữ vị trí đặc biệt và được yêu mến trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Ba lần đi - về và những nuối tiếc

Tình hình khó khăn như thế, VFF đặt mục tiêu thành tích thế nào cho ông Riedl?

- Tất nhiên, bất kỳ hợp đồng nào cũng phải có mục tiêu. Không có mục tiêu thì phấn đấu thế nào? Tuy nhiên, chúng tôi chỉ muốn tuyển Việt Nam duy trì thứ hạng cao ở Đông Nam Á, ít ra phải có huy chương. Lúc ấy, mình chỉ muốn có huy chương thôi.

Sau Tiger Cup 1998 tổ chức ở Việt Nam, VFF thay đổi mục tiêu, nếu nâng được thứ hạng của tuyển Việt Nam lên thì tốt. Khi HLV Riedl biết Tiger Cup được chuyển về Việt Nam, ông ấy rất mừng và đồng ý nâng mục tiêu của đội tuyển lên.

Sau năm 2000, vì sao ông Riedl có thêm 2 lần dẫn dắt tuyển Việt Nam?

- HLV Riedl bị bệnh suy thận. Ông ấy được một người Việt Nam hiến thận nên lại càng yêu đất nước này hơn. Ông ấy coi Việt Nam như tổ quốc thứ hai của mình.

Năm 2002, VFF thuê HLV Christian Letard để khỏa lấp chỗ trống của Riedl. Sau đó, chiến lược gia này có trục trặc với bóng đá Việt Nam.

Đó là lúc VFF quyết định mời lại ông Riedl?

- Khi đó, Riedl đang làm việc ở Indonesia. Nhưng vì yêu mến Việt Nam, lại biết SEA Games 2003 tổ chức ở Việt Nam nên ông ấy quyết định trở lại. Đội tuyển Việt Nam đặt mục tiêu cao ở kỳ SEA Games tổ chức trên sân nhà.

Người ta nói HLV Riedl là chuyên gia về nhì, với 3 lần á quân SEA Games. Năm 1999, chúng ta đá hay, không thủng lưới bàn nào cho đến trận chung kết. Việt Nam chỉ thua Thái Lan quá mạnh với Kiatisak Senamuang, Dusit Chalermsan. Những lần sau, ông ấy cũng chỉ về nhì. Nhiều người còn bảo ông Riedl duyên số chỉ về nhì thôi, phải tìm HLV khác để đổi màu huy chương.

Năm 2007, VFF lại mời HLV Riedl quay lại để dẫn đội đá SEA Games ở Thái Lan, nhưng đó là kỳ SEA Games rất buồn. Riedl từ chức sau bán kết, HLV Mai Đức Chung lên nắm quyền thay.

Ông đánh giá thế nào về trình độ và đóng góp của HLV Riedl với bóng đá Việt Nam?

- Trình độ huấn luyện của HLV Riedl rất tốt, nhưng điều kiện cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu của ông ấy hạn chế. Khi đội tuyển đi tập huấn nước ngoài, HLV Riedl cũng phải tự liên hệ hết.

Ông Riedl hiểu khó khăn của bóng đá Việt Nam và cũng có nhiều tình cảm với đất nước Việt Nam. Đó là HLV tài năng, có nhiều đóng góp đặc biệt với Việt Nam. Bóng đá Việt Nam biết ơn và sẽ luôn nhớ về HLV Riedl.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.