đội tuyển nữ, nguyễn thị xuyến, cầu thủ nữ, hlv mai đức chung, HLV Mai Đức Chung

Phía sau ánh hào quang

Hoàng Gia
Với đội tuyển nữ Việt Nam, chiến thắng là một sứ mệnh. Thế nhưng với bóng đá nữ họ vẫn cứ mãi cô đơn như cái tên gọi “những người hùng trà đá”, bình dị như như cách họ ăn mừng bàn thắng vậy. Đằng sau hành trình của chiếc cup vô địch Đông Nam Á 2019 (AFF Cup) là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Sự hi sinh thầm lặng của người thầy một lòng dành trọn trái tim cho bóng đá nữ - HLV Mai Đức Chung.
73475148 1162823080580934 1802909928059305984 n
HLV trưởng ĐT nữ Việt Nam - Mai Đức Chung.


HLV Mai Đức Chung – tuổi 70 và những nỗi trăn trở

Tôi gọi bác với cái tên thân mật mà làng báo thể thao vẫn hay truyền tai nhau “bác Chung gái”, đó là người thầy của các học trò nữ cứ năm này qua năm khác gánh trên vai giấc mơ vươn tầm châu lục của bóng đá nữ Việt Nam. Lần đầu tiên tôi gặp bác vào một ngày Hà Nội mưa tầm tã. Ngày 10/10/2017, tôi gặp bác trên sân vận động Quốc gia Mỹ Đình với một vài trò mới, có lẽ với bác đây là một sự hi hữu nhất trong sự nghiệp dẫn dắt cầu thủ.

HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức sau thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29, HLV ĐT nữ Mai Đức Chung bất đắc dĩ tạm quyền HLV đội nam. Giữa cơn mưa rào nặng hạt mang theo một nỗi đau thất bại của bóng đá vẫn có một vị HLV đã gần 70 tuổi chỉ đạo dưới mưa. Hôm ấy, ĐT Việt Nam chiến thắng với tỉ số 5-0 trước ĐT Campuchia, niềm tin từ người hâm mộ được hồi sinh. Tuy vậy, vị trí thích hợp nhất với bác chắc vẫn là việc nắm đội nữ, làm công việc huấn luyện, làm một người cha, người bác của các cô gái tuổi đang còn thanh xuân.

Nỗi lo về nhân sự

Bóng đá nữ vẫn mãi không được quan tâm một cách đúng mực và các học trò của ông Chung cứ dần rơi rụng theo năm tháng. Nhiều học trò không thể chịu đựng được kham khổ để theo đuổi đến cùng đam mê với trái bóng. Thậm chí nhiều tài năng triển vọng, cầu thủ chủ lực bỗng dưng nghỉ để đi tìm công việc khác, để xuất khẩu lao động. Lúc ấy chắc ông cũng đau lòng lắm nhưng đành bất lực.

Mới đây nhất năm 2017, cầu thủ nữ đầy triển vọng và được ông “Chung gái” đánh giá rất cao là Minh Anh bỗng dưng nghỉ bóng đá để học tiếng Nhật đi xuất khẩu lao động. Và bao nhiêu tuyển thủ nữ khác cũng tương tự như vậy. Khi ấy bắt buộc ông lại phải “trẻ hóa đội hình” thêm một lần nữa. Bóng đá nữ Việt Nam vẫn luôn sống mòn trong vòng tròn quanh quẩn ấy. Chạm tới vinh quang rồi tuột mất, đoạt được vinh quang mà vẫn không được quan tâm, trẻ hóa đội hình để làm lại lại từ đầu. Và rồi ở đâu đó trong góc phòng thay đồ lại nghe thấy tiếng khóc của một cầu thủ nữ vì chấn thương, vì không thể có tiền gửi về nhà hay vì bắt buộc phải nghỉ bóng đá.

Nỗi buồn về những khán đài vắng bóng Những lần vô địch Đông Nam Á, vô địch SEA Games đã che mờ đi những thiếu thốn vốn có của bóng đá nữ. Và rồi khi vinh quang họ nhận được những lời tung hô hào nhoáng để rồi thôi. Khán đài của những trận cầu nữ vẫn vắng lặng, ảm đạm như số phận những tuyển thủ dám dấn thân mình chạy theo đam mê cùng trái bóng tròn.
Nếu những ai đến Liên đoàn bóng đá Việt Nam vào một chiều tháng 10 có lẽ cũng biết, bên cạnh sân tập của ĐT Việt Nam là đội U19 nữ đang chuẩn bị cho giải đấu sắp tới vào cuối tháng. Trong khi giới truyền thông, người hâm mộ bủa vây những Công Phượng, Quang Hải, Xuân Trường thì các cô gái vẫn âm thầm tập luyện như chưa từng tồn tại. Gần hơn là trận bế mạc Giải vô địch QG nữ, tôi trở về Hà Nam để theo dõi trận đấu giữa Phong Phú Hà Nam và Hà Nội. Khán đài Hà Nam vẫn ảm đạm như vậy, có lẽ với họ đó là điều hết sức bình thường, nhưng tự nhiên tôi thấy nghẹn trong lòng.
Vậy mới biết, “bóng đá không có khán giả là bóng đá chết” nhưng thật kỳ lạ bóng đá nữ chưa bao giờ dừng lại dù có bị quay lưng.

Sự trở lại của cầu thủ nữ Nguyễn Thị Xuyến
74612412 910882609295893 3002328031353110528 n
Tuyển thủ nữ Nguyễn Thị Xuyến.


Một chiều tháng ba tại sân tập của VFF, có một tuyển thủ nữ đứng bên ngoài sân số một nhìn những đồng đội của chị tập luyện. Nhìn những đồng đội ngày nào tập luyện, chị chẳng thể giấu nổi sự thèm thuồng: "Chị cũng thèm bóng đá lắm chứ, vẫn muốn tập luyện và thi đấu, nhưng bây giờ đảm trách công việc khác rồi nên đành thôi. Nhường lại sân chơi cho lớp trẻ".
Nói như vậy thôi nhưng tôi biết chị vẫn còn mong một ngày được trở lại lắm. Chị Xuyến vẫn duy trì phong độ và thể lực bằng cách tự tập mỗi ngày, chị tập luyện học trò U14 của mình mỗi ngày. Rồi sau những ngày tập luyện vất vả chị tìm cảm giác bóng bằng những tối đi đá phủi cùng những đồng đội là nam giới. Có lần người viết hỏi trêu chị: "Sao chị không tìm đội nữ mà đá cùng ấy". Chị mỉm cười: "Đá với đội nữ ở ngoài không toát mồ hôi và không được đã bằng đá với các anh".

Bởi vậy có những buổi tối sau giờ tập, trong sân vẫn có một cô gái nhỏ nhắn tự rèn thể lực để tìm lại “ngày xưa”. Mọi cố gắng đều được đền đáp xứng đáng, chị đã chiến đấu hết trận đấu, những đường chạy không biết mệt mỏi bên hành lang cánh trái của tuyển nữ Việt Nam. Khi tiếng còi của trọng tài vang lên, cũng là lúc chị òa khóc trong vòng tay đồng đội, ban huấn luyện. Cảm giác vui sướng của những nhà vô địch hòa quyện cùng nỗ lực của chính bản thân làm cho cô gái cứng rắn trên sân tập, "hung dữ" trong mắt học trò trở thành mềm yếu. Điều đáng quý nhất ở bóng đá nữ, là dù vất vả, khó khăn, các cầu thủ vẫn nỗ lực tập luyện để mang lại vinh quang cho Tổ quốc.

Đúng như HLV Mai Đức Chung từng thừa nhận: "Bóng đá nữ phải chịu nhiều thiệt thòi. Các cầu thủ nam vất vả như thế nào thì cầu thủ nữ vất vả gấp đôi. Họ cũng là những cô gái, muốn ăn mặc đẹp để được mọi người ngắm nhìn, nhưng trong bóng đá thì phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ”. Mong rằng bóng đá nữ sẽ nhận được sự quan tâm và yêu thương hơn nữa từ người hâm mộ. Những đóa hồng của bóng đá Việt Nam, họ xứng đáng được nhận nhiều hơn thế!