Văn Quyến Biệt tài ‘sút không cần đà’ và màn hành hạ thủ môn Phan Văn Santos

Hoàng Gia

15 năm trôi qua sau vụ bán độ động trời ở SEA Games 2005 Bacolod (Philippines), người hâm mộ vẫn nuối tiếc khôn nguôi cho “thần đồng mãi mãi không lớn” Phạm Văn Quyến.

Ở tuổi 16, Quyến đã nổi danh đất nước. Tuổi 20, Quyến là niềm hy vọng hàng đầu của bóng đá Việt Nam. Quyến chơi hay tới mức nổi bật, vượt trội so với bạn bè đồng trang lứa ở lò đào tạo “sừng sỏ” SLNA.

Nhìn thấy tài năng đặc biệt của Quyến, HLV kỳ cựu của SLNA ông Nguyễn Thành Vinh đã đưa “thằng béo” (biệt danh của Văn Quyến – PV) lên đội 1, trả cho mức lương ngang với các cầu thủ đàn anh tại V-League 2001, dù Văn Quyến mới 17 tuổi.

HLV Thành Vinh cho rằng chính tài năng và khí chất dị biệt của Quyến khiến ông phải đưa ra quyết định đã góp phần thay đổi bộ mặt bóng đá Việt Nam trong nhiều năm.

Văn Quyến: Biệt tài ‘sút không cần đà’ và màn hành hạ thủ môn Phan Văn Santos - ảnh 1

“Khi Quyến còn chơi ở đội trẻ, lứa U.13, lên U.16 rồi U.18 (không có U.19 như bây giờ), anh ta đã nổi bật trong số các cầu thủ cùng lứa. Năm 16 tuổi, Quyến từng đá giải vô địch U.16 châu Á tổ chức ở Đà Nẵng, chơi rất nổi trội và ghi bàn.

Văn Quyến phát triển tài năng vượt lên độ tuổi của mình. Cậu ấy đi bóng, kiểm soát bóng và thoát khỏi đối phương, chuyền bóng cực kỳ thông minh. Văn Quyến sút bóng rất điệu nghệ, sút hay cứa bóng vào góc cao mà không cần đà. Khi Quyến gần 18 tuổi và đã tích lũy đầy đủ, tôi đưa anh ta lên đội 1”, ông Vinh lý giải về quyết định của mình.

Cái chân trái ma thuật của Quyến “béo” đã đưa cậu bé chăn trâu dung dị ngày nào “một bước lên tiên”, trở thành một trong những ngôi sao được yêu mến nhất. Quyến gần như không mất thời gian để lên chơi V-League và ghi dấu ấn, dù đồng đội hay đối thủ hầu hết đều là những đối thủ hơn tuổi.

Câu chuyện mở ra từ hiệp 2 ra sân trong trận Siêu cúp Việt Nam giữa SLNA và TP.HCM vào tháng 10.2001 để 2 năm liền nhận giải cầu thủ trẻ xuất sắc nhất trước khi đoạt quả bóng Vàng Việt Nam 2003.

HLV Nguyễn Thành Vinh không bao giờ quên trận đấu trên sân Long An ở V-League 2004. Văn Quyến tỏa sáng giúp SLNA đánh bại một trong những đội mạnh nhất khi ấy do HLV Henrique Calisto dẫn dắt, thắng cả 2 lượt đi về với tỷ số 4-0, 3-0.

Văn Quyến: Biệt tài ‘sút không cần đà’ và màn hành hạ thủ môn Phan Văn Santos - ảnh 2
  HLV Nguyễn Thành Vinh đã đưa Văn Quyến lên đội 1 SLNA ở tuổi 17

Kể lại ngày đó, giọng ông Vinh vừa phấn khởi, vừa xen lẫn tự hào khi nói về những khoảnh khắc của 16, 17 năm về trước, nhưng cứ ngỡ như mới ngày hôm qua.

“Quyến có năng khiếu rất đặc biệt. Người ta gọi cậu là "thần đồng", nhưng người làm chuyên môn huấn luyện như tôi thì gọi là "có năng khiếu thể thao đặc biệt". Quyến không cao, song chân đế lại rất vững, kiểm soát bóng hay, đi bóng thông minh.

Đối thủ biết Quyến làm gì, nhưng không lấy bóng được. Tài năng của Quyến luôn cuốn hút khán giả. Cổ động viên rất yêu thích lối chơi của anh ta. Từ những ấn tượng như thế, Quyến rất tự tin khi lên đội 1. Như khi đá ở V-League mùa 2004, SLNA của Quyến gặp Long An của Phan Văn Santos.

Santos khi ấy được HLV Henrique Calisto dẫn dắt, được báo chí lăng xê là thủ môn rất hay. Nhưng khi gặp SLNA, Phan Văn Santos đã có trận đấu đáng quên. Văn Quyến chơi tự tin đến mức cầm bóng ở ngoài vòng 16m50, có cảm giác cứ vung chân sút là Santos là không thể bắt nổi”, ông Vinh nhớ lại.

Một trong những điểm mạnh nhất của Quyến, không phải khả năng rê dắt, tạo đột biến như những đàn em Công Phượng, Phi Sơn sau này, mà là biệt tài sút bóng không cần đà. Thông thường, cầu thủ phải đẩy bóng tạo đà hay tạo góc để dứt điểm, nhưng với Quyến, anh có thể sút cực hay dù trái bóng vẫn còn nguyên trong chân.

Văn Quyến: Biệt tài ‘sút không cần đà’ và màn hành hạ thủ môn Phan Văn Santos - ảnh 3

Văn Quyến từng ghi rất nhiều bàn thắng từ các cú sút không cần đà

Bóng có thể từ cái chân rất “ngoan” của Quyến đi thẳng vào lưới đối phương mà không gặp phải bất cứ trở ngại nào, từ hậu vệ tới thủ môn. 12 năm đá cho SLNA chia thành hai giai đoạn, Quyến ghi 47 bàn hầu hết đều là những pha lập công đẹp mắt.

Cảm xúc từ cách chơi của Quyến mới là thứ khiến khán giả nhớ lâu, thay vì thứ bóng đá rập khuôn và có phần máy móc của nhiều đội V-League suốt 20 năm giải đấu được gắn mác chuyên nghiệp.

“Quyến quá tự tin, như cách dễ dàng xỏ háng cầu thủ Tây. Sự tự tin ấy giúp anh ta khi có bóng ngoài vòng 16m50 là thủ môn coi chừng vào lưới nhặt bóng. Quyến có thể tạo ra pha bóng định đoạt trận đấu.

Chỉ cần hậu vệ sơ hở thôi, Quyến có thể ghi bàn ngay vì anh ta có biệt tài không cần đẩy bóng để sút. Đó là đặc điểm không phải tiền đạo nào cũng có được”, ông Nguyễn Thành Vinh bồi hồi khi nói về học trò cũ.

Sau màn “chào sân” V-League ấn tượng, Văn Quyến trưởng thành và trở thành niềm kỳ vọng vàng của bóng đá Việt Nam ở SEA Games. Cũng từ đây, bi kịch bắt đầu ập xuống với thần đồng có thừa tài năng, nhưng lại thiếu ý thức nghề nghiệp và động lực vươn tới đỉnh cao.