Nước cờ sai của HLV Polking khiến Lee Nguyễn 'tàng hình' ở sân Cẩm Phả

Hoàng Gia

"Lee Nguyễn biết chưa, biết Than Quảng Ninh là đội nào chưa?", CĐV Than Quảng Ninh chế nhạo Lee Nguyễn trong trận đấu tối 14/3. CLB TP.HCM được đánh giá cao hơn Quảng Ninh, nhưng thua chung cuộc 0-2 trước đối thủ mất hai phần ba đội hình ở kỳ chuyển nhượng vừa qua.

Lee Nguyễn mờ nhạt dù chơi rất nỗ lực. Anh là nạn nhân của hàng loạt quyết định sai lầm do HLV Alexandre Polking vạch ra.

Nước cờ sai của HLV Polking khiến Lee Nguyễn 'tàng hình' ở sân Cẩm Phả - 1
Lee Nguyễn mờ nhạt ở Cẩm Phả. (Ảnh: Minh Chiến) 

Ảo mộng Bruno Fernandes

"Lee Nguyễn chơi sáng tạo. Tôi muốn cậu ấy được đá tự do, được phát huy và được thể hiện mình trong những tình huống cố định. Tôi thấy có nét tương đồng trong phong cách của Lee Nguyễn và Bruno Fernandes.

Một cầu thủ tấn công chơi hay như vậy thì cần có những người phía sau hỗ trợ. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng thứ bóng đá tấn công giống như đã làm ở hiệp 2 trận gặp Quảng Ninh", HLV Polking lấy hình mẫu Bruno Fernandes ở Manchester United để nói về cách dùng Lee Nguyễn.

Lee Nguyễn có nét tương đồng với Bruno, tất nhiên ở đẳng cấp thấp hơn. Anh là mẫu tiền vệ tổ chức, có kỹ năng chuyền bóng, nhãn quan tốt, giỏi săn tìm khoảng trống và đột nhập vòng cấm ghi bàn.

Sau trận thắng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh 2-0, HLV Polking nói Lee Nguyễn "cần có không gian sáng tạo". Ông kiến thiết không gian cho Lee Nguyễn giống như cách HLV Ole Solskjaer tạo điều kiện cho Bruno: bố trí hai tiền vệ đánh chặn dọn dẹp phía sau, giải phóng Lee Nguyễn khỏi nhiệm vụ phòng ngự.

Video: Than Quảng Ninh 2-0 CLB TP.HCM

Ở Man Utd, Bruno được Scott McTominay và Fred bảo vệ từ phía sau, còn Lee Nguyễn được hỗ trợ bởi Đỗ Văn Thuận và Ngô Hoàng Thịnh. Trên lý thuyết, đây là công thức hoàn hảo, giúp Lee Nguyễn thoải mái dâng cao tiếp cận vòng cấm.

Nhưng thực tế trình độ của các cầu thủ CLB TP.HCM không phù hợp với phép tính của Polking. Văn Thuận và Hoàng Thịnh đánh chặn tốt, nhưng không giỏi luân chuyển bóng để mở ra không gian, dẫn đến lối đá của CLB TP.HCM thiếu liền mạch và tuần tự.

Ở giải giao hữu Tứ hùng chuẩn bị cho V-League 2021, HLV Polking rèn cho CLB TP.HCM bài tổ chức bóng từ hàng phòng thủ, với thủ môn là người phát động đầu tiên. Để cụ thể hóa ý đồ, các tiền vệ phải chuyền tốt, di chuyển hợp lý để mở khoảng trống.

Văn Thuận và Hoàng Thịnh không làm được điều này. CLB TP.HCM bị chia thành hai nửa cách biệt khi tổ chức tấn công, khi khối phòng ngự lùi sâu, còn hàng công lại ở quá cao. Khoảng trống vời vợi này bị lấp đầy bởi các cầu thủ tấn công của Quảng Ninh, dẫn đến CLB TP.HCM thường xuyên có nguy cơ bị phản công.

Nước cờ sai của HLV Polking khiến Lee Nguyễn 'tàng hình' ở sân Cẩm Phả - 2
Lee Nguyễn bị kèm chặt. 

Do đó, dù được hai tiền vệ phòng ngự bảo vệ giống Bruno ở Man Utd, nhưng Lee Nguyễn hoàn toàn đơn độc. Khi ngôi sao Việt kiều có bóng, anh xoay sở chờ hỗ trợ, nhưng không ai có mặt đúng chỗ. Nhiều tình huống, Lee Nguyễn phải lùi về hướng dẫn đồng đội cách di chuyển.

"Hoàng Thịnh và Văn Thuận có trận đấu thất vọng. Họ thu hồi bóng chệch choạc, không thể phân phối hợp lý lên phía trên cho Lee Nguyễn. Ngay từ tuyến dưới, lối chơi của CLB TP.HCM gãy vụn, do đó không thể trách hàng công đội này rơi vào thế bế tắc", chuyên gia Phan Anh Tú phân tích.

Trên hàng công, Junior Barros, Dario Junior và Joao Paulo như những nốt nhạc không liên quan, tạo thành một bản tấu lộn xộn. 3 tiền đạo ngoại của CLB TP.HCM đá rời rạc, khi chưa có nhiều thời gian tìm hiểu và tập luyện cùng nhau. Hàng công không tìm được tiếng nói chung, nên dù không bị đá rát, Lee Nguyễn cũng bất lực.

Nước cờ sai của HLV Polking khiến Lee Nguyễn 'tàng hình' ở sân Cẩm Phả - 3
HLV Polking muốn CLB TP.HCM đá ngắn và kiểm soát. 

Lee Nguyễn là cầu thủ giỏi, nhưng anh cần hệ thống tốt để phát huy khả năng. Không thể chỉ đưa quả bóng và yêu cầu cựu cầu thủ New England Revolution làm mọi việc.

HLV Polking tính sai

HLV Polking quyết định loại bỏ trung vệ Pape Diakite để trao suất ngoại binh cho Junior Barros ngay trước hạn chót. Đây là quyết định gây tranh cãi, bởi trình độ của Diakite đã được khẳng định. Anh là ngoại binh tốt nhất của CLB TP.HCM trong 2 năm qua.

Trong khi đó, Paulo, Dario mới có 2 tháng làm quen với V-League, còn chưa để lại dấu ấn nào. Paulo chưa ghi bàn, còn Dario dù lập công vào lưới Hà Tĩnh, nhưng bỏ lỡ nhiều cơ hội và chơi ích kỷ, rườm rà.

Quan trọng hơn, loại Diakite đồng nghĩa với CLB TP.HCM giao hết trọng trách phòng ngự cho nội binh, dù đội bóng này không có hậu vệ giỏi. Không ai trong số các hậu vệ hiện tại của CLB TP.HCM từng ghi dấu ấn ở tuyển quốc gia.

Nước cờ sai của HLV Polking khiến Lee Nguyễn 'tàng hình' ở sân Cẩm Phả - 4
Dario chưa để lại ấn tượng. 

Phạm Hoàng Lâm, Thân Thành Tín, Trần Đình Khương,... đều chỉ là những cầu thủ hạng khá. Họ cần một ngoại binh giỏi hỗ trợ, nhưng HLV Polking đã loại cầu thủ ấy đi.

2 bàn thua trước Quảng Ninh đều diễn ra với chung kịch bản: Nghiêm Xuân Tú tạt, cầu thủ chủ nhà lao vào đánh đầu. Ở bàn thua thứ hai, Nguyễn Hải Huy còn đánh đầu ở tư thế không ai kém. Hàng thủ CLB TP.HCM thực sự yếu kém.

CLB TP.HCM đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua cầu thủ mới, nhưng hầu hết đến từ hàng công. 3 ngoại binh, Lee Nguyễn, Lê Sỹ Minh, Phan Thanh Hậu và Hồ Tuấn Tài được đưa về, khiến hàng công chật chội, song lại thiếu gắn kết do tất cả đều là tân binh.

Hàng thủ, phòng tuyến khiến CLB TP.HCM sa sút nặng nề mùa trước, lại không được chăm sóc kỹ lưỡng. Không thể không đặt dấu hỏi về vai trò của HLV Polking. Ông có ý tưởng chiến thuật tốt, cầu thủ chất lượng, nhưng lại chưa xây dựng được hình hài đáng xem cho CLB TP.HCM.

Mùa giải gần nhất khởi đầu thất vọng, CLB TP.HCM phải chật vật chạy trốn xuống hạng. Mùa giải này thì sao?