Ozil và DFB Ai ruồng bỏ ai?

Hoàng Gia
Cứ tưởng tượng đội tuyển Việt Nam có một cầu thủ người Việt gốc Hoa. Khi Trung Quốc hạ đặt dàn khoan HD 981 bên ngoài biển Đông, cầu thủ ấy đăng lên Facebook tấm ảnh chụp cùng Chủ tịch Tập Cận Bình.

Cứ tưởng tượng đội tuyển Việt Nam có một cầu thủ người Việt gốc Hoa. Khi Trung Quốc hạ đặt dàn khoan HD 981 bên ngoài biển Đông, cầu thủ ấy đăng lên Facebook tấm ảnh chụp cùng Chủ tịch Tập Cận Bình.

Khi ấy, phản ứng của dư luận mình sẽ như thế nào? Có chửi không? Đừng nói là không chửi.

Vấn nạn phân biệt chủng tộc không chỉ là câu chuyện của người Đức. Một tờ báo của Burkina Faso từng mỉa mai đội tuyển Pháp là "đội bóng châu Phi thành công nhất World Cup" chỉ vì hơn một nửa đội hình của họ là người có gốc gác châu Phi. Nói đúng hơn thì là người da đen.

Nhắc đến châu Phi là nhắc đến đen đúa, hoang dại, đói nghèo. Nhắc đến châu Á là nhắc đến khôn lỏi. Nhắc đến người Mỹ là nhắc đến sự cao ngạo, coi trời bằng vung. Có những định kiến tồn tại từ lâu và được sự chấp nhận ngầm của cả cộng đồng. Muốn hay không, bạn cũng phải công nhận điều đó.

Phân biệt chủng tộc diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, tồn tại từ lâu đời trong lịch sử loài người. Đừng nói là thế giới phẳng, nơi mọi chủng người, dân tộc sống hòa thuận abcxyz, không có đâu.

Mối quan hệ Đức - Thổ cũng vậy, vô cùng phức tạp và không hề tốt đẹp. Ba mình từng lao động bên Đức, từng kể mình nghe người Thổ ở bên Đức. Bác mình cũng làm việc bên nó, nói người Thổ Nhĩ Kỳ trong chợ có đặc điểm ra sao. Không phải ngẫu nhiên mà Thổ xin vào khối Schengen còn chết lên chết xuống. Tất cả đều có nguyên do.
37679200 471968959933981 6037220539104231424 n
Ozil là nạn nhân của phân biệt chủng tộc tại Đức hay là con cờ thì trong bàn cờ chính trị Đức - Thổ


Từng có thời gian, câu chuyện về Miroslav Klose và Lukas Podolski đốt cháy dư luận vì cả hai đều có gốc gác Ba Lan, nhất là ở đợt EURO 2008. Nhưng khác với Đức - Ba Lan, khi "đại bàng đen" Đức quốc xã dẫn quân san bằng thủ đô Warsaw của "đại bàng trắng" Ba Lan, mối quan hệ giữa Đức và Thổ tồi tệ từ quá khứ, hiện tại đến cả tương lai sau này.

Ozil có sai không? Có sai. Bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Đức và Thổ không cho phép một cầu thủ được đăng ảnh chụp cùng tổng thống đối thủ ngay trước thềm World Cup, nhất là với tinh thần dân tộc ngút trời của người Đức. Nhiều năm sống ở Đức, Ozil thừa hiểu tinh thần ấy dồi dào, mạnh mẽ và cực đoan cỡ nào. Nhưng Ozil vẫn làm. Làm mà không biết màu áo mình chuẩn bị đại diện cho để chinh chiến ở World Cup là gì. Ozil dở, đội ngũ truyền thông của anh cũng dở nốt.

Tuy nhiên, Ozil dở 1 thì Liên đoàn bóng đá Đức dở 10. Họ có đang phân biệt chủng tộc với Ozil không? 100% là có, nhưng dám làm, không dám nhận. Chủ tịch LĐBĐ Đức và chủ tịch Bayern Munich đều lấy Ozil ra làm bình phong cho thất bại ở World Cup - giải đấu CẢ ĐỘI ĐỨC ĐỀU CHƠI TỆ. Cái tệ của Ozil chỉ là mảng tối trong bức tranh "lờ mờ" của một đội tuyển thua ngay từ công tác chuẩn bị.

Hơn nữa, Ozil không phải người chơi tệ nhất. Anh vẫn khá hơn chán so với Thomas Muller hay Sami Khedira. Ozil cũng có những điểm sáng, với 7 cơ hội tạo ra trong trận cuối trước Hàn Quốc. Nếu Hummels hay Werner tận dụng tốt hơn, Đức đã vượt qua vòng bảng và Ozil không bị dựng lên làm "bia sống" như thế này.

Điều buồn cười nhất ở những người chỉ trích Ozil là cứ chửi anh, mà không bao giờ nói được là anh kém ở đâu. Ozil lười nhác? Ở Arsenal, anh đã cải thiện thể lực rất nhiều. Ozil thiếu cố gắng? 10 năm qua, từ khi còn là tài năng trẻ bị ruồng bỏ ở Gelsenkirchen (Schalke), đến khi bộc phát tài năng ở Werder Bremen và được Real Madrid chiêu mộ, Ozil luôn như thế.

Vật và vật vờ, nhưng đã tài năng thì khỏi phải bàn cãi. 180 phút vừa qua ở World Cup, Ozil tạo ra 11 cơ hội ăn bàn. Anh dở thì còn ai hay?

Cuối cùng, đừng nói bóng đá không liên quan đến chính trị, Benito Mussolini từng lợi dụng World Cup để khuếch trương thanh thế cho Italy thế nào, Argentina mượn World Cup để giải quyết tệ nạn trong nước ra sao,... bóng đá từ lâu đã liên quan đến chính trị, và sẽ luôn gắn liền với chính trị. Bóng đá là ánh xạ cuộc đời.

Câu chuyện rất buồn của Ozil chỉ phản ánh lại vấn nạn phân biệt sắc tộc, chủng tộc rất cũ. Ở đó, nhiều cử tri phản đối bà Angela Merkel với chính sách nhập cư phóng khoáng. Những tệ nạn ở Đức đều bị đổ vấy cho người nhập cư. Chỗ ở của người nhập cư bị người Đức biểu tình xua đuổi. Ở đó, không có chỗ cho những thứ thuộc về "thế giới phẳng" đầy mơ mộng, nơi con người bỏ qua hết các xung đột chính trị để cùng nhau tiến về phía trước.

"Khi thắng, tôi là người Đức. Khi thua, tôi chỉ là gã nhập cư". Đúng là vậy mà, Ozil.
Nguyễn Nam
Theo TC Nhiếp Ảnh