Miura, cô đơn, thể lực, sa thải

Toshiya Miura - kẻ ngược đường

Hoàng Gia
Chiều hôm qua, khi thông tin ông cùng CLB TPHCM đạt thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, tôi có đọc được đâu đó trên mạng ý kiến của một chuyên gia. Cụ thể là: HLV Miura thất bại bởi áp dụng lối đá thể lực lên đội bóng...

Chiều hôm qua, khi thông tin ông cùng CLB TPHCM đạt thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, tôi có đọc được đâu đó trên mạng ý kiến của một chuyên gia. Cụ thể là: HLV Miura thất bại bởi áp dụng lối đá thể lực lên đội bóng...

Tự dưng tôi bật cười, vì hình như chuyên gia này không rành lắm về bóng đá. Làm gì có lối đá nào lại là "lối đá thể lực", "lối đá nặng tính thể lực" hay một thứ nào đấy đại khái như thế.

HLV Miura thất bại với bóng đá Việt Nam, cũng bởi những định kiến "thể lực" mông lung kiểu này.

43674086 2157131881269663 7437842694686113792 n
Miura đến với bóng đá Việt Nam lúc khủng hoảng nhất và vực dậy cả một nền bóng đá đang mơ ngủ

Lối đá nào cũng cần có thể lực. Tiqui-taca của Barcelona có cần thể lực không? Chắc chắn là có. Messi, Iniesta chạy ngót nghét 9, 10 km/ trận là ít. Puyol tranh chấp khỏe như trâu, Dani Alves di chuyển như máy cày. Vì lối đá đó có nhiều phần trí lực, nên người ta quên mất vai trò của thể lực.

Từ bóng ngắn, bóng dài đến gegen-pressing, lối đá nào cũng cần thể lực. Đá càng ngắn, càng cần nhiều sức để duy trì cường độ di chuyển hợp lý. Tua lại thời điểm bóng đá Việt Nam những năm đen tối 2013, 2014, khi các cầu thủ chỉ chạy trung bình 6, 7 km/ trận và không có nếp sinh hoạt đủ tiêu chuẩn, HLV Miura phải xây dựng lối đá vừa đẹp mắt, vừa hiệu quả cho các đội tuyển bằng cách nào?

HLV Miura có thể không phải HLV giỏi, nhưng chắc chắn ông là một trong những HLV tử tế và có tâm nhất mà bóng đá Việt Nam từng sở hữu. Đây là nhận xét tôi từng nghe được từ chính học trò của ông. Không phủ nhận sai lầm của ông trong ngót 2 năm dẫn dắt đội tuyển, song phần công của ông, với tôi, lớn hơn tội rất nhiều.

tuan anh bao tin rat buon cho u23 va dt viet nam1523621790
Dưới thời Miura các cầu thủ luôn phải tập thể lực rất nhiều

Ông mang đến cho tuyển Việt Nam cái nhìn mới mẻ về tầm quan trọng của thể lực và thứ bóng đá tối giản. Dưới thời Miura, Công Phượng phải "bò" ra sân để tập thể lực, không được cầm bóng nhiều chạm mà phải chuyền ngay. Hồng Quân, Hữu Dũng tập chạy, Miura lắc đầu, nói các cầu thủ còn yếu hơn cả "ông già đầu 4" như ông. Dưới thời Miura, không có chuyện cầu thủ được khởi động qua loa và "trốn" HLV để tập thiếu vài động tác khởi động như thời Hữu Thắng.

Đội bóng của ông đá không đẹp (tôi cũng không biết định nghĩa "bóng đá đẹp" là như thế nào), nhưng có khí thế, có quyết tâm và tạo được cảm giác tin tưởng. Sau thời Calisto, chỉ Miura đưa bóng đá Việt Nam vào bán kết AFF Cup và lấy huy chương đồng SEA Games chỉ trong vỏn vẹn 8 tháng.

Đạt được thành tích ấy, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam ê chề, đen tối lúc ấy, rõ ràng là một kỳ tích.

Nhắc lại về lời khen của báo giới dành cho HLV Park Hang Seo: tại sao U23 Việt Nam đá khỏe thế, chạy như máy,...? Thầy Park bảo tôi không có bí quyết huấn luyện gì đặc biệt. Ông chỉ nói cho các cầu thủ là họ không yếu. Đúng, họ không hề yếu, bởi nền tảng thể chất đã bắt đầu được nhen nhóm và vun trồng dưới thời Miura cách đây 4 năm.

Sự phát triển của những trung tâm đào tạo như PVF, Hà Nội với giáo trình hiện đại cùng thành công của lứa U19 Việt Nam (dự U20 World Cup) cho thấy tầm quan trọng của thể lực là lớn ra sao. Đến lúc đó, họ mới biết bóng đá không chỉ có ban bật là tự hóa thành Barcelona.

dtvn 297
HLV Park Hang-seo đang thừa  hưởng nền tảng do chính HLV Miura khai sáng

Dưới cơn bão chỉ trích của dư luận vì giáo án tập luyện quá nặng (vâng, những người không có chuyên môn luôn muốn cầu thủ Việt Nam đá được như cầu thủ châu Âu bằng cách tập luyện giáo trình châu Á), HLV Miura lầm lũi hoàn thành nhiệm vụ. Tôi thích sự lầm lũi của ông, nhưng cũng trách ông vì điều đó. Ông không phản biện, không giải thích, cũng không có đội ngũ đứng sau để đòi quyền lợi.

Khoảnh khắc ông đứng tựa lưng vào cabin huấn luyện, mắt nhìn về phía xa xăm khi tuyển Việt Nam thua Malaysia 2-4 là khoảnh khắc buồn nhất. Trong vài giây ngắn ngủi, Miura biết mình luôn cô đơn.

Cái tin ông chia tay CLB TPHCM cũng cô đơn giữa một rừng tin tức về đợt tập trung ĐTQG chuẩn bị cho AFF Cup.

Những thứ thuộc về hôm qua, hãy gói lại và để trong ngăn tủ quá khứ. Chỉ xin được dành cho ông dấu lặng. Một HLV tử tế, nhưng đến Việt Nam ở thời điểm không đủ tử tế để phô diễn được cái giỏi của mình.