Xin đừng khen cho sướng

Hoàng Gia
Ngồi làm nhanh bài viết về thành công của Croatia tại World Cup, tự dưng nhớ đến Công Phượng. 2 câu chuyện khác xa nhau, cách nhau cả nghìn cây số và nghìn ngày có lẻ cũng có những điểm tương đồng.

Ngồi làm nhanh bài viết về thành công của Croatia tại World Cup, tự dưng nhớ đến Công Phượng. 2 câu chuyện khác xa nhau, cách nhau cả nghìn cây số và nghìn ngày có lẻ cũng có những điểm tương đồng.

Đại loại là, xem bóng đá, điều quan trọng nhất là phải dựa vào bối cảnh. Có những thứ đúng ở bối cảnh này nhưng lại sai ở bối cảnh khác và ngược lại. Suy xét thế nào là tùy quan điểm người xem. Rất khó để nói đúng hoặc sai trong bóng đá - thứ vạn biến nhất trong những thứ vạn biến.

Cách đây 5 năm, U19 Việt Nam nổi lên như cơn mưa mát lành giữa cánh đồng khô cạn của bóng đá nước nhà. Và Công Phượng, chính là cái tên sáng giá nhất, điển hình nhất khi đó. Bạn có thể kiểm chứng bằng cách search những từ khóa "U19 Việt Nam 1-0 U19 Australia" hay "U19 Việt Nam 5-1 U19 Australia", tìm đường link của VNExpress và đọc những bình luận.

Chúng toàn là những lời khen. Đúng. Khen đội có, khen HLV có, nhưng nhiều nhất, là khen Công Phượng. Pha đi bóng trước rừng cầu thủ rồi sút tung lưới U19 Australia khiến dư luận phát cuồng. Họ đặt cho cậu biệt danh "Messi Việt Nam". Họ gọi Messi thật là "Công Phượng của Argentina",... hay những lời khen trên mây, đại loại thế.
cp2
Công Phượng luôn là mục tiêu của truyền thông nhưng truyền thông cũng đang vô tình nhào nặn Phượng thành tấm bia khi thất bại


Dân gian hay có câu là "khen cho sướng". Tức là cứ khen, chưa cần biết khen có đúng không, người khen có cần không, nhưng cứ phải khen cho sướng cái mồm. Chết là ở chỗ đó.

Từ khóa "Messi Việt Nam" được khán giả, báo giới mặc định dành cho Công Phượng. Đặt trong bối cảnh nắng hạn gặp mưa rào thì ai cũng thích. Nhưng mưa nhiều quá, cây sẽ ngập úng mà chết. Đặt trong bối cảnh "đói khát" tài năng và cần có một thần tượng để trông cậy, người hâm mộ lập tức "dựng" Phượng lên, biến cậu trở thành một biểu tượng chống chọi với bão giông. Thắng nhờ Phượng, còn thua...?

"Đá như thế mà cũng đòi làm Messi Việt Nam", "Đừng ảo tưởng nữa", "Phượng không lớn nổi",... Thứ đáng sợ nhất trong lịch sử loài người không phải thiên tai, bệnh dịch, chiến tranh,... mà đó là đám đông. Trong một ngày đẹp trời, đám đông như một đám mây dày, nâng người ta lên chín tầng cao. Trong một ngày xấu trời, đám đông như cơn sóng dữ, dìm người ta xuống tận đáy đại dương.

Khán giả chửi Phượng ảo tưởng, song có ai biết, cầu thủ xứ Nghệ chưa một lần nhận mình "tài giỏi" hay là "Messi của Việt Nam". Phượng từng nở nụ cười rất... Phượng khi được Fox Sport hỏi về cái biệt danh trời ơi đất hỡi này. Phượng từng từ chối trả lời, chỉ nói nhẹ một câu "cảm ơn anh" khi mình bảo cậu rằng HLV Hữu Thắng vừa khen cậu đấy.

Một người như thế, có bao giờ tự nhận mình là "Messi Việt Nam" hay ảo tưởng về mình hay không?

Tài năng thật sự của Phượng, đáng buồn thay, không phụ thuộc vào tài năng của cậu, mà phụ thuộc vào cảm hứng của đám đông bất định. Mà đám đông ấy, không hiểu rằng chuyện gì trong bóng đá cũng phải nhìn theo bối cảnh. Chững lại ở độ tuổi trưởng thành là điều rất bình thường với thể thao chuyên nghiệp, nhưng với Phượng là một tội ác. Không tỏa sáng và chơi như kỳ vọng trong vài trận, là một tội ác. Đá hỏng quả phạt đền, là một tội ác.

Anh Dũng Phan từng có liên tưởng rất hay, rằng "đá bóng là nghề xướng ca". Đã phục vụ công chúng, phải chấp nhận để người ta suy xét về mình, còn mình cứ làm tốt phần việc được giao là được. Tuy nhiên, trong thời đại thông tin thế này, mọi suy xét vô tình đều có thể dẫn tới hậu quả nhãn tiền cho cả thế hệ.

Người ta nâng cậu lên quá cao so với khả năng, rồi khi cậu không đáp ứng được kỳ vọng và ảo tưởng vô lý ấy, người ta đổ lỗi cho cậu. Ở tuổi 23, bao nhiêu người đủ lớn để gánh trên vai kỳ vọng của cả đất nước? Và những người không gánh được kỳ vọng ấy, liệu có đáng bị báng bổ, rủa xả hay không?

Nhờ có World Cup, V-League cùng bóng đá Việt Nam tạm thời lọt vào "điểm mù" trong một tháng. Thế cũng tốt, để các cầu thủ tạm có một khoảng lặng bình yên. Nhưng ASIAD sắp đến, những ngày bình yên sắp kết thúc rồi.

Nhìn cái cách người Anh và truyền thông Anh thức tỉnh để nắm chặt tay nhau bảo vệ đội tuyển sau World Cup, tự dưng muốn được nhìn thấy điều tương tự ở bóng đá Việt Nam.
Nguyễn Nam
Theo TC Nhiếp Ảnh