HLV Kim Sang Sik là ai: Tân HLV ĐT Việt Nam, sự nghiệp, scandal và những danh hiệu

Tân HLV ĐT Việt Nam, ông Kim Sang Sik là người được LĐBĐ Việt Nam tin tưởng và lựa chọn. Sau đây là những thông tin liên quan đến nhân vật rất được quan tâm này.

Sự nghiệp và danh hiệu

Kim Sang-sik sinh năm 1976, từng là cựu tuyển thủ Hàn Quốc, thi đấu ở vị trí trung vệ. Ông được biết đến nhiều với việc giành 12 chức vô địch K-League ở cả cấp độ cầu thủ lẫn HLV và trợ lý HLV.

Thời còn thi đấu, ông từng vô địch K-League 5 lần (2001, 2002, 2006 với Seongnam và 2009, 2011 với Jeonbuk). Ông có 2 lần giành hạng ba Asian Cup (2000 và 2007).

Sự nghiệp cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp của Kim Sang Sik bắt đầu tương đối muộn, ông ra mắt Seongnam Ilhwa Chunma khi đã bước qua tuổi 22.

Kể từ khi ra mắt, Kim Sang Sik hầu như luôn chiếm vị trí xuất phát trong đội hình Seongnam. Ông là nhân tố chính giúp đội bóng giành chức vô địch K-League năm 2001, kết thúc 6 năm trắng tay. 

Kim xuất thân ở vị trí trung vệ, nhưng sự nghiệp của ông được biết đến nhiều hơn trong vai trò tiền vệ phòng ngự. Ông chỉ đá ở hàng thủ tùy theo hoàn cảnh nhất định. Với lối đá mạnh mẽ, không ngại va chạm, Kim gắn với biệt danh "Viper" (rắn lục). Ông cũng có biệt danh khác là "Sikma", vì tính cách khá tinh nghịch.

licensed-image-1714715747.jfif
 

Theo thời gian, Kim trưởng thành hơn về chiến thuật. Ông mang hình ảnh của một tiền vệ xuất sắc với phong cách cắt các đường chuyền của đối thủ rồi chuyển trạng thái nhờ trí thông minh nhanh nhạy. Kim Sang Sik, với chiều cao ấn tượng là 1,86 m, còn nổi bật về khả năng kiểm soát bóng trên không. Điều đó giúp ông tranh chấp tốt và kiểm soát không gian trước vòng cấm một cách toàn diện. 

Kim Hyeung Bum, cựu tuyển thủ Hàn Quốc có quan hệt tốt với Sang Sik, mô tả: "Tuy không có sức mạnh vượt trội hơn người khác, nhưng anh ấy rất giỏi dự đoán tình huống, chặn đường bóng và ngay lập tức chuyển sang trạng thái tấn công".

Năm 2003, Kim gia nhập Gwangju Sangmu trong thời gian nhập ngũ. Ông trở lại Seongnam sau 2 năm vào giúp đội vô địch Hàn Quốc mùa 2006. Khi nhiều người nghĩ Kim Sang Sik sẽ gắn bó với Seongnam đến cuối sự nghiệp, thì bước ngoặt xảy ra năm 2009. CLB thực hiện cuộc cách mạng mạnh mẽ, đưa Shin Tae Yong chưa có kinh nghiệm lên làm HLV.

Biến động này đẩy Kim sang Jeonbuk Hyundai Motors, dù Shin Tae Yong - HLV trưởng Indonesia hiện nay - không hề muốn.

335608029-760484892157631-4373210734693257337-n-1714373453.jpg
 

Cho đến lúc đó, Jeonbuk Hyundai Motors không sánh được với Seongnam. Nhưng Kim Sang Sik xuất hiện đã thay đổi tất cả. Đội bóng này lập tức vô địch Hàn Quốc lần đầu tiên trong lịch sử, sau 15 năm thành lập.

Sau 3 danh hiệu với Seongnam, thêm 2 chiến thắng khác cùng Jeonbuk, ông được công nhận như tiền vệ phòng ngự hay nhất lịch sử K-League.

Về sự nghiệp thi đấu quốc tế, Kim Sang Sik được gọi vào đội tuyển Hàn Quốc dự Asian Cup 2000. Ông là người ghi bàn ở phút 90, khởi đầu màn ngược dòng thắng Iran 2-1 trong trận tứ kết. Trong khoảng thời gian này Kim Sang Sik làm việc trực tiếp với HLV Park Hang Seo, khi đó đóng vai trò là trợ lý. 

Từ năm 2001, Guus Hiddink được chọn ngồi chiếc ghế HLV trưởng Hàn Quốc và Park Hang Seo được giữ lại trong đội ngũ trợ lý nhưng Kim Sang Sik thì bị gạch tên. HLV người Hà Lan cho rằng cầu thủ này thiếu động lực. Việc vắng mặt tại World Cup 2002 là cú sốc rất lớn đối với sự nghiệp của Kim Sang Sik. 

Sau triều đại Hiddink, Kim trở thành một trong những nhân tố chính của Hàn Quốc, dự World Cup 2006 cũng như giành hạng 3 Asian Cup 2007. Nhưng cũng chính tại giải vô địch châu Á năm ấy, Kim Sang Sik đã vướng vào scandal nổi tiếng và biến mất khỏi ĐTQG nhiều năm sau đó. 

Kim sang Pháp học bằng HLV trong thời gian ngắn. Ông trở lại Jeonbuk để đóng vai trò trợ lý. Trên cương vị mới (chỉ dẫn vài trận khi HLV trưởng bị cấm chỉ đạo), ông có 6 lần khác vô địch K-League. Đóng góp của Kim trong mùa 2020 thực sự quan trọng. Ông hỗ trợ về nhiều mặt cho HLV Jose Morais, nhất là khía cạnh tâm lý, giúp Jeonbuk vô địch K-League 4 mùa liên tiếp.

438854633-894805025990291-2239424065565526296-n-1714358226.jpg
 

Chính từ ảnh hưởng đó, khi hợp đồng với Morais hết hạn tháng 12/2020, Kim Sang Sik được chọn làm thuyền trưởng Jeonbuk. Trong mùa giải 2021, Kim giúp Jeonbuk vô địch K-League. Ông mang đến sự cân bằng trong lối chơi phòng ngự, đồng thời khi cần sẽ tấn công áp đảo với 71 bàn thắng sau 38 vòng đấu.

Thành tích này giúp Kim nhận các giải thưởng HLV xuất sắc nhất mùa 2021, của K-League cũng như LĐBĐ Hàn Quốc. Kim Sang Sik trở thành người đầu tiên trong lịch sử Jeonbuk vô địch K-League với tư cách cầu thủ, trợ lý và HLV. Toàn bộ giải đấu Hàn Quốc cũng chỉ có 3 người nâng cúp với tư cách cầu thủ và HLV.

Sự cố đáng tiếc nhất sự nghiệp

HLV Kim Sang Sik nhận được rất nhiều sự chú ý sau khi nhậm chức HLV trưởng ĐT Việt Nam. Vị HLV này là một cá tính rất nổi tiếng của bóng đá Hàn Quốc. Khi còn thi đấu, ông Kim là tiền vệ thi đấu theo phong cách "chém đinh chặt sắt", rất mạnh mẽ và đôi khi hơi thô bạo.

Năm 2007, ông Kim vướng vào scandal lớn nhất sự nghiệp. Ông cùng với các đồng đội Lee Woon Jae, Lee Dong Guk và Woo Seong Yong đến 1 hộp đêm ở Jakarta, nhảy múa, uống rất nhiều rượu bên cạnh những cô gái chân dài. Những cái tên này sau đó đã bị kỷ luật và không được gọi lên ĐTQG một thời gian rất dài sau đó. Sự việc này khiến hình ảnh của Kim Sang Sik càng thêm xấu trong mắt các CĐV.

Phải đến năm 2012, 5 năm sau scandal, Kim Sang Sik mới được triệu tập trở lại ĐT xứ kim chi. Ông góp công trong hành trình giúp Hàn Quốc giành vé dự World Cup 2014 nhưng lại sớm giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế vào năm 2013. 

Phong cách cứng rắn và chắc chắn được ông Kim Sang Sik duy trì khi chuyển sang công tác huấn luyện. Ông sẵn sàng ép học trò thay đổi vị trí thi đấu sở trường nếu cảm thấy cần thiết. Triết lý của HLV Kim không quá phù hợp với thời đại. Ông theo đuổi sự thực dụng, đề cao tính an toàn. Nhưng cũng chính vì điều này mà ông không được lòng các CĐV tại Jeonbuk Huyndai Motors dù giúp đội bóng vô địch K.League, Cúp Quốc gia và vào đến bán kết AFC Champions League.

Triết lý và chiến thuật

Như đã nói ở trên, HLV Kim Sang Sik đề cao tính thực dụng và hiệu quả trong lối chơi. Với kim chỉ nam "không thua trước khi thắng", HLV Kim khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo. 

Khi không có bóng, Jeonbuk phòng ngự sâu ở phần sân nhà. Khi có bóng, họ cũng không chuyển trạng thái nhanh mà chuyền bóng một cách từ từ, tìm kiếm sự chắc chắn hơn là đột biến. Khi đối phương gây áp lực lên tuyến giữa của Jeonbuk, 3 tuyến của Jeonbuk lập tức lùi sâu xuống để phòng thủ thay vì cố gắng gây sức ép ngược lại để đoạt bóng trong thời gian ngắn. Nhìn chung, dù là đội bóng mạnh nhưng Jeonbuk của HLV Kim Snag Sik sẵn sàng ru ngủ đối thủ để tìm cách kết liễu khi cần thiết.

Điểm yếu của HLV Kim Sang Sik là cách chống phản công. Do quen với cách phòng ngự chủ động nên khi đối thủ chuyển trạng thái nhanh hoặc các tiền đạo bất ngờ mất bóng, hàng thủ của HLV Kim có thể bị xáo trộn mà không kịp phản ứng. 

Kim Sang Sik yêu thích lối đá 4-2-3-1. Khi tấn công, Jeonbuk của ông linh hoạt giữa 4-3-3 và 4-1-4-1. Dù vậy, ông cũng có thể xây dựng lối chơi 3-4-3 hay 3-5-2 khi cần phòng ngự với 3 trung vệ. 

hlv-kim-2-1714712322.jpg
 

Nhìn chung, NHM khó lòng có thể chờ đợi ĐT Việt Nam chơi bóng đẹp mắt, cống hiến. Những trận đấu của HLV Kim Sang Sik có thể khá nhàm chán và có tốc độ chậm. Dù vậy, như HLV Mai Đức Chung, thành viên hội đồng HLV quốc gia nhận định, ĐT Việt Nam thời điểm này không cần một triết lý cụ thể, quan trọng hơn hết là sự linh hoạt. 

"Tiêu chí của chúng tôi chọn HLV là đề cao sự phù hợp. Phải phù hợp với văn hoá và con người, thể thao Việt Nam. Điều đó là quan trọng nhất. Chúng ta thấp bé, thể lực yếu, không thể đá bóng dài được. Nhưng nếu chăm chăm cầm bóng mà đá nhỏ thì cũng chưa được, vì trình độ chưa tốt, khả năng che bóng, sức mạnh không có, nếu đối phương khoẻ hơn ập vào là mất bóng ngay. Lối đá của người Việt Nam phải linh hoạt, lúc dài lúc ngắn, có khả năng thích ứng với các đối thủ khác nhau", ông mai Đức Chung cho biết. 

 

 

Link nội dung: https://bongdadoisong.vn/index.php/tat-ca-ve-hlv-kim-sang-sik-tan-hlv-dt-viet-nam-su-nghiep-scandal-va-nhung-danh-hieu-a9593.html