Năm 2019, CLB TP.HCM về nhì V-League và lọt vào bán kết Cúp Quốc gia. Một năm sau, Sài Gòn FC đứng hạng ba V-League, có một phần ba mùa giải ngự trị trên ngôi đầu. Thành tích ấn tượng của các đại diện Sài Thành giúp khán giả kỳ vọng về sự hồi sinh của bóng đá TP.HCM, nơi Cảng Sài Gòn hay Công An TP.HCM từng làm mưa làm gió.
Niềm tin còn được củng cố khi hai đội bóng đều được chống lưng bởi những doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực chiến đấu đường dài, thay vì "ăn xổi ở thì" như Sài Gòn Xuân Thành hay Navibank Sài Gòn trước đây. Nhưng niềm tin nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng. Sau 6 vòng, thứ tự của hai đội bóng TP.HCM là 11 và 12.
CLB TP.HCM là đội đầu tư mạnh nhất ở mùa giải 2021, với bốn bản hợp đồng mang tên Lee Nguyễn, Dario Junior, Joao Paulo và Junior Barros. Giá trị của Lee Nguyễn là 500.000 USD. Số tiền chiêu mộ 3 ngoại binh Brazil cũng được đồn đoán không dưới 1 triệu USD.
Ngoài ra, CLB TP.HCM còn chi 30.000 USD mỗi tháng để mang về HLV Alexandre Polking, một trong những chiến lược thành giàu kinh nghiệm nhất Thai League.
Cộng với những bản hợp đồng mang tên Lê Sỹ Minh, Phan Thanh Hậu, Hồ Tuấn Tài, Thân Thành Tín, CLB TP.HCM đặt mục tiêu lấy lại uy thế sau mùa 2020 thất bại toàn diện. Tuy nhiên, đội bóng này đang đá với chất lượng còn kém hơn nhiều so với trước khi bổ sung lực lượng.
Video: HAGL 3-0 CLB TP.HCM
Sau 6 vòng, CLB TP.HCM ghi 3 bàn, thủng lưới 9 bàn, có hiệu số bàn thắng bại kém nhất V-League. 2 trận thua tan nát với cùng tỷ số 0-3 dìm đội bóng của Polking xuống sát khu vực nguy hiểm. Nếu không thắng trận tới, CLB TP.HCM có thể đứng cuối bảng.
Theo thống kê, CLB TP.HCM là đội tạo ra nhiều cơ hội nhất V-League, nhưng lại chuyển hóa rất kém do phong độ thấp của các tiền đạo Brazil.
Trong 5 trận đã qua, các ngoại binh của TP.HCM mới đóng góp tổng cộng 1 bàn thắng, đi kèm vô số tình huống bỏ lỡ. Việc Paulo, Dario hay Barros không chịu phối hợp hay hỗ trợ phòng ngự khiến lối đá TP.HCM thường xuyên vỡ vụn, thiếu kiểm soát.
CLB TP.HCM cũng là đội bị phản công nhiều hàng đầu V-League. Chơi với hàng thủ dâng cao, lại không có điểm tựa ngoại binh ở khâu phòng ngự, đội bóng của Polking mong manh và dễ vỡ. Chiến lược gia người Đức muốn CLB kiểm soát bóng từ hàng thủ, nhưng chất lượng nội binh đáp ứng được yêu cầu này.
"Vấn đề không phải phòng ngự hay tấn công, mà HLV có cầu thủ giỏi để đáp ứng điều đó hay không. CLB TP.HCM thay tới 4 HLV trong 5 năm qua thì rất khó ổn định. Lee Nguyễn là cầu thủ kiến thiết chứ không phải dứt điểm. Cậu ấy cần đồng đội tốt.
Ở V-League hiện tại, chỉ có Hà Nội FC áp đặt được đối phương. Các đội còn lại, ngay cả HAGL, cũng phải xây chắc từ hàng phòng ngự trước. CLB TP.HCM lại làm ngược, trong khi chất lượng cầu thủ chưa cao. Đội bóng này cần thời gian. Nếu không thay đổi, CLB TP.HCM có thể phải đua trụ hạng", chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích.
Những khoản đầu tư vội vàng, nôn nóng và thiếu bền vững là tác nhân bào mòn nền móng của CLB TP.HCM. Đội bóng này đang tạo ra cảm giác "xây nhà từ nóc". Để thành công, các CLB cần sự kiên nhẫn và quá trình xây dựng bài bản. Đây là yếu tố đổ bao nhiêu tiền, CLB TP.HCM cũng không thể mua được.
Sài Gòn FC từng là đội bóng có căn cơ và bền vững. Khi sang tên, đổi chủ và chuyển vào TP.HCM, Sài Gòn FC ban đầu không được khán giả chào đón. Tuy nhiên, nỗ lực bền bỉ của thầy trò Nguyễn Đức Thắng, kết hợp với những thương vụ chuyển nhượng hợp lý giúp Sài Gòn FC tìm được chỗ đứng tại V-League.
Tấm huy chương đồng ở V-League 2020 là kết tinh của những cố gắng không ngừng nghỉ trong thời gian dài của Sài Gòn FC. Song, khi bắt đầu gặt hái thành quả, đội bóng này lại có cuộc thay máu lực lượng ồn ào. 21 cầu thủ chia tay đội bóng, không ít trong số này là "công thần", góp công vào vị thế hiện tại mà Sài Gòn FC đang có được.
Với đội hình toàn những cầu thủ mới, phần lớn đến từ các hạng đấu thấp hơn, Sài Gòn FC cần một HLV đủ tài năng và bản lĩnh để chèo chống. Sau 3 vòng đầu chơi khá tốt (giành 6 điểm), lãnh đạo đội bóng bất ngờ thay ông Vũ Tiến Thành bằng HLV Masahiro Shimoda.
Ban đầu, ông Shimoda được bổ nhiệm là cố vấn cấp cao của CLB. Chuyên gia người Nhật rất giỏi, nhưng được biết đến với năng lực quản lý cấp cao và hoạch định chiến lược hơn là huấn luyện chuyên môn.
Khi phải dẫn dắt tập thể với cầu thủ nội non yếu về trình độ, kinh nghiệm, còn cầu thủ ngoại đã qua thời đỉnh cao sự nghiệp, ông Shimoda lập tức thất bại.
HLV người Nhật chưa có thời gian hiểu bóng đá Việt Nam, nên không kịp thích nghi với mật độ thi đấu dày, nơi các đội bóng chủ yếu tập trung phòng ngự chắc chắn và phản công nhanh để tích lũy điểm số, thay vì chơi tấn công như những gì HLV Shimoda xây dựng. 1 tháng làm việc cũng là quá ít để ông Shimoda tạo dấu ấn.
"Tôi rất tiếc cho HLV Shimoda vì ông không có nhiều thời gian cho đội bóng, cũng chưa hiểu hết được bóng đá Việt Nam. Khi HLV Shimoda tiếp nhận đội Sài Gòn FC, ông nghĩ mình có thể xây dựng lối chơi đẹp mắt và hiệu quả. Tuy nhiên, quỹ thời gian của HLV này với CLB quá ít", chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích.
Từng khẳng định thành tích chỉ là ưu tiên số 5, nhưng việc vội vã chia tay 2 HLV sau 6 vòng, hay trước đó là thay 21 cầu thủ phần nào cho thấy lãnh đạo Sài Gòn FC đang không để lời nói đi đôi với việc làm. Đây sẽ là mùa giải khó khăn với CLB chủ sân Thống Nhất, dù họ vừa bổ nhiệm trợ lý Phùng Thanh Phương ngồi ghế huấn luyện.
"Các đội bóng cuốn theo cuộc chơi rồi, mới đá trận này, nghỉ ngơi chưa xong đã đá trận sau. Trong thời gian ngắn, các CLB phải đá 4 trận nữa. HLV Phùng Thanh Phương khó giải quyết vấn đề, trừ khi cầu thủ Sài Gòn FC nhận ra nguy cơ và nỗ lực hơn", ông Xương kết luận.
Link nội dung: https://bongdadoisong.vn/non-nong-thanh-cong-bong-da-tp-hcm-xuong-doc-khong-phanh-o-v-league-a3000.html