Tương lai HAGL chông chênh trên đôi chân đàn em Công Phượng

Cuộc so tài giữa HAGL và CLB An Giang là trận đấu giữa hai đội có thứ hạng chênh lệch nhất ở vòng loại Cúp Quốc gia. HAGL đang xếp đầu V-League, còn An Giang đứng cuối bảng giải hạng Nhất. Nếu gộp chung V-League và hạng Nhất thành một bảng, HAGL hơn An Giang tới... 26 bậc. 

Song, thầy trò HLV Kiatisak Senamuang phải đợi đến 5 phút cuối trận để ngược dòng trước đối thủ. Đội hình hai của HAGL có màn trình diễn dưới mức trung bình trong trận đấu chiều qua (23/4).

 

Kiatisak hết.... cười 

Phút 61, HAGL đang áp đảo An Giang. Trần Bảo Toàn đi bóng nỗ lực ở mép trái vòng cấm, rồi căng ngang như đặt cho Triệu Việt Hưng dứt điểm. Ở thế trống trải, cú sút của tiền vệ từng vô địch SEA Games 30 đưa bóng đi thẳng lên khán đài.

Bên ngoài đường biên, Kiatisak cười rất... tươi. Ông và ban huấn luyện HAGL không tin nổi pha bỏ lỡ của Việt Hưng, nhưng chủ đạo ở thái độ thoải mái của "Zico Thái" là thế trận dễ chịu đội bóng phố Núi tạo ra trước đối thủ yếu hơn rất nhiều.

Nhưng nụ cười của Kiatisak không kéo dài được lâu. Phút 72, Tống Văn Hợp đón lõng pha bóng bật ra từ pha cản phá của Lê Văn Trường và tung cú sút trái phá. Bóng găm thẳng vào nóc lưới HAGL trong sự ngỡ ngàng của đội chủ nhà.

Kiatisak hết cười. Gương mặt ông trầm tư và căng thẳng tột độ. Sau 9 trận, HAGL mới để đối thủ dẫn trước. Đội làm nên khác biệt trước HAGL lại là đối thủ mới giành 1 điểm sau 5 trận đầu ở hạng Nhất. Kết quả này không phải bất ngờ, nếu căn cứ vào màn trình diễn trên sân. 

HAGL có trận đấu vất vả trước An Giang. (Ảnh: Zing)
HAGL có trận đấu vất vả trước An Giang. (Ảnh: Zing)

Suốt hiệp 1, HAGL chỉ có một cơ hội từ pha đặt lòng dội cột của Bảo Toàn. Trước hàng phòng ngự được trấn giữ bởi Âu Dương Quân - trung vệ rời HAGL để tìm cơ hội và Nguyễn Hoàng Duy - cầu thủ chuyển tới từ CLB rớt hạng Nhất mùa trước, HAGL vẫn lực bất tòng tâm. 

Sơ đồ 5-4-1 (mô phỏng cách đá 3 trung vệ của HAGL) của An Giang hoạt động hiệu quả, nhưng sự bế tắc của HAGL chủ yếu đến từ chất lượng cầu thủ.

Khi Văn Toàn, Văn Thanh vào sân, khác biệt lập tức xuất hiện. Văn Toàn chỉ mất 5 phút để mang về một quả phạt đền, trước khi rê dắt để góp công vào bàn thắng thứ hai. 5 phút của Văn Toàn đáng giá hơn 85 phút trước đó của toàn bộ đội hình hai HAGL trước đó.

Không có ngoại binh và các trụ cột, HAGL không giỏi hơn một đội bóng đang chật vật thoát nguy cơ rơi xuống hạng Nhì.

Dấu hỏi lứa kế cận

Đây sẽ là nỗi lo rất lớn của Kiatisak. Ở trận hòa CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, "Zico Thái" không thực hiện thay đổi nhân sự nào. Trả lời câu hỏi của VTC News về vấn đề này, Kiatisak nói muốn "kiểm tra thể lực của các cầu thủ đá chính".

hagl hanoi vleague 2021 2
Không có Văn Toàn, Xuân Trường, HAGL chơi không hay hơn CLB An Giang. 

Song, mật độ thi đấu dày đặc ở V-League, đặc biệt ở chặng nước rút sẽ đặt HAGL vào canh bạc mạo hiểm nếu Kiatisak vẫn muốn duy trì một đội hình duy nhất. 

Sau 10 vòng V-League, HAGL chỉ dùng một bộ khung. Phần còn lại của đội bóng mới chơi tổng cộng 824 phút. Các cầu thủ như Dụng Quang Nho, Bảo Toàn, Việt Hưng,... chủ yếu chỉ vào sân khi trận đấu đã an bài. Với số phút thi đấu ít ỏi, nhóm dự bị gần như không đóng góp được gì.

Câu chuyện cầu thủ dự bị HAGL ít được đá vì kém, hay vì ít được đá nên mới kém giống như "con gà có trước hay quả trứng có trước". 4 tháng dưới sự dẫn dắt của Kiatisak, nhóm cầu thủ này chưa được nâng tầm, thể hiện rất rõ ở trận gặp An Giang chiều qua.

Tuy nhiên, đấy không phải lỗi của Kiatisak. Ông được bầu Đức đưa về để mang về thành tích tốt cho đội bóng phố Núi, còn làm cách nào là chuyện của "Zico Thái". Kiatisak đã xoay sở cực tốt với quỹ cầu thủ có hạn, khi chỉ 11 cái tên đá chính của HAGL là có đẳng cấp thực sự.

Quang Nho, Bảo Toàn, Việt Hưng, Trần Thanh Sơn, Châu Ngọc Quang là sản phẩm của khóa III, IV Học viện HAGL JMG. Quá sớm để lứa này sẽ thất bại, nhưng kỳ vọng nhóm cầu thủ kể trên giúp đội bóng phố Núi bay cao là viển vông.

Cả 5 đều không có chỗ đứng ở vòng chung kết châu Á 2020, trong khi 3 năm trước, Công Phượng, Xuân Trường đều được trao cơ hội.

hagl hanoi vleague 2021 1
Công Phượng ra sân cả 10 trận từ đầu mùa. 

HLV Guillaume Graechen khẳng định khóa III của HAGL không nhiều cầu thủ tài năng, không được tập huấn ở nước ngoài và mất căn bản do tập trung muộn. Nếu khóa đầu của HAGL chứng kiến 20.000 cầu thủ tuyển sinh, con số của khóa III giảm xuống 4.000. Sự nổi lên của nhiều trung tâm khiến HAGL bị cạnh tranh, khó đãi cát tìm vàng.

Dù vậy, cái thua của khóa III, IV HAGL không chỉ nằm ở chất lượng cầu thủ, mà còn liên quan đến cách dùng người. Bầu Đức đã dũng cảm gạt bỏ đội một HAGL năm 2014 để nhường chỗ cho Tuấn Anh, Công Phượng đá V-League.

Lứa này được thi đấu vô điều kiện dù xuống phong độ ra sao. Phải được chơi bóng thường xuyên như thế, cầu thủ mới dần dần bứt lên. Quang Nho, Bảo Toàn khó đòi hỏi đặc quyền này. Các cầu thủ trẻ phải chắt chiu cơ hội, nếu không muốn bị thui chột. 

Sản phẩm của lứa đàn em Công Phượng, Văn Toàn chất lượng đến đâu, màn trình diễn của Công An Nhân Dân đã nói lên tất cả. Thanh Sơn, Đinh Thanh Bình không thể giúp đội này chơi tốt ở... hạng Nhì năm 2020 dù đã 23 tuổi. Tương lai HAGL sẽ đi về đâu với những cầu thủ này?

Lực lượng kế cận rất khó mang lại sự tiếp nối cho HAGL. Đội bóng phố Núi đang thăng hoa nhờ tài Kiatisak, nhưng tương lai thế nào, chưa thể nói trước. 

Link nội dung: https://bongdadoisong.vn/tuong-lai-hagl-chong-chenh-tren-doi-chan-dan-em-cong-phuong-a3145.html