Ảo vọng của CLB TP.HCM nhấn chìm Lee Nguyễn

“Lee Nguyễn đá quá hay, tiếc là chấn thương. Lee giỏi lắm, dù thể lực yếu đi rồi”, bầu Đức nói ngắn gọn sau trận thắng 3-0 của HAGL trước CLB TP.HCM chiều 28/3. Ông xuống sân an ủi Lee Nguyễn. Sau 10 năm, V.League vẫn là điều chưa trọn vẹn với ngôi sao có cái tên thuần Việt là “Nguyễn Thế Anh”.

Lee Nguyễn giỏi, nhưng đang phải gồng gánh trên vai lý tưởng tấn công, đá đẹp thiếu thực tế mà HLV Alexandre Polking cùng CLB TP.HCM vạch ra.

Lee Nguyễn đơn độc

“Lee Nguyễn có nhiều nét tương đồng với Bruno Fernandes. Những cầu thủ sáng tạo luôn cần được đồng đội hỗ trợ phía sau”. Chia sẻ của HLV Polking phần nào phác họa ý tưởng về cách sử dụng Lee Nguyễn ở CLB TP.HCM. Lee Nguyễn là nguồn sáng tạo, nên được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng ngự và ưu ái kiến tạo không gian chơi bóng.

Để phát huy tốt vai trò, Lee Nguyễn cần 2 yếu tố: Cầu thủ đánh chặn và luân chuyển bóng tốt ở sau lưng và các tiền đạo chạy chỗ, phối hợp tốt ở trước mặt.

Ở Manchester United, Bruno được hỗ trợ bởi bộ đôi Fred và Scott McTominay quét phía sau. Tương tự, HLV Polking bố trí Đỗ Văn Thuận và Ngô Hoàng Thịnh đánh chặn từ xa, chuyền bóng lên để Lee Nguyễn kiến thiết lối chơi. Phía trên, ông hy sinh trung vệ của Pape Diakite để mang về thêm một ngoại binh tấn công nữa. CLB TP.HCM là đội duy nhất ở V.League dành cả 3 suất cầu thủ ngoại cho vị trí tiền đạo.

Đấy là cách HLV người Đức ưu ái cầu thủ tấn công tốt nhất của mình, nhưng chất lượng nhân sự của CLB TP.HCM đã phản bội toan tính của Polking.

Sau lưng Lee Nguyễn, hầu hết cầu thủ đội TP.HCM đều không có kỹ năng chuyền bóng, chuyển đổi trạng thái tốt. Không ít trận đấu, Lee Nguyễn phải chỉ tay hướng dẫn đồng đội cách di chuyển, chuyền bóng hợp lý.

Phần lớn nhân sự CLB TP.HCM như Ngô Tùng Quốc, Văn Thuận, Hoàng Thịnh đã quen với cách chơi phòng ngự - phản công được HLV Chung Hae-seong đặt nền móng từ năm 2019, với thói quen phất dài quả bóng từ hàng thủ lên hàng tiền đạo mỗi khi giành lại quyền kiểm soát. Những tân binh như Phạm Hoàng Lâm, Thân Thành Tín, Lê Sỹ Minh cũng quen đá kiểu phòng ngự lùi sâu khi còn khoác áo CLB cũ. Đây đều không phải mẫu cầu thủ phục vụ lối chơi tấn công có kiểm soát.

CLB TP.HCM thường rơi vào trạng thái chuyền bóng quẩn quanh, thiếu sáng tạo. Lee Nguyễn phải lùi về sâu để làm bóng, đứng vị trí ngang với bộ đôi trung vệ, dẫn đến khoảng cách di chuyển đến khung thành đối phương xa hơn rất nhiều. Ở tuổi 34, anh không thể cáng đáng khối công việc khổng lồ, liên tục di chuyển kéo bóng và kiến tạo trong bối cảnh lịch thi đấu dày đặc.

Các tiền đạo Brazil của CLB TP.HCM chơi ích kỷ, ít khi phối hợp, chạy chỗ để làm tường và mở ra khoảng trống. Ảnh: Y Kiện.

Tuyến dưới không chuyền bóng tốt, Lee Nguyễn cũng bất lực khi 3 chân sút Brazil thi đấu rời rạc, ích kỷ và lười phối hợp. Ở CLB New England Revolution, Lee Nguyễn từng ghi 51 bàn nhờ khả năng làm tường của tiền đạo. Các chân sút thường nhận bóng, kéo giãn không gian và nhả lại ở khoảng trống Lee Nguyễn xâm nhập để cầu thủ Việt kiều lập công.

Ở V.League, Nguyễn Quang Hải (CLB Hà Nội), Nguyễn Văn Toàn (HAGL), Nguyễn Tiến Linh (CLB Bình Dương) hay Nguyễn Hải Huy (Quảng Ninh) là những cầu thủ hưởng lợi tốt nhất từ những pha làm tường của cầu thủ ngoại. 6 bàn thắng của Nguyễn Công Phượng mùa trước có công lớn của Amido Balde, khi cầu thủ này chịu khó chạy chỗ, phối hợp với tuyến dưới.

Các tiền đạo hiện tại của CLB TP.HCM không có nhu cầu phối hợp. Dario Junior, Junior Barros và Joao Paulo chủ yếu tự chuyền cho nhau. Tình huống dứt điểm hỏng ăn cuối hiệp 1 trận gặp HAGL mới là lần đầu tiên Lee Nguyễn bỏ lỡ một cơ hội rõ ràng. Sau 5 trận, cầu thủ mang áo số 24 có ít cơ hội dứt điểm, dù anh miệt mài chạy chỗ chờ đồng đội.

“Lee Nguyễn cố gắng, nhưng các tiền đạo ngoại phía trên thích rê dắt, biểu diễn hơn phối hợp”, một cựu HLV tuyển Việt Nam chia sẻ. HLV Mai Đức Chung cũng thẳng thắn chỉ trích cầu thủ ngoại của đội TP.HCM có “chất lượng kém” và “một mình Lee Nguyễn không thể làm mọi việc”.

Có bột mới gột nên hồ

HLV Polking muốn CLB TP.HCM chơi tấn công nhuần nhuyễn, đẹp mắt và áp đặt theo lý tưởng của ông và ban lãnh đạo. Tuy nhiên, để xây dựng cách chơi này, đội TP.HCM cần cả quá trình xây dựng từ nhân sự đến chiến thuật. Mua nhiều siêu sao rồi mong các cầu thủ ấy tự hợp thành tập thể mạnh, đó là chuyện không tưởng trong bóng đá.

“Vấn đề không phải phòng ngự hay tấn công, mà HLV có cầu thủ giỏi để đáp ứng điều đó hay không. CLB TP.HCM thay 4 HLV trong 5 năm qua thì rất khó ổn định. Lee Nguyễn là cầu thủ kiến thiết chứ không phải dứt điểm. Cậu ấy cần có đồng đội tốt.

Ở V.League hiện tại, chỉ có CLB Hà Nội chơi áp đặt được đối phương. Các đội còn lại, ngay cả HAGL, cũng phải xây chắc từ hàng phòng ngự trước. CLB TP.HCM lại làm ngược, trong khi chất lượng cầu thủ chưa cao. Đội bóng này cần thời gian. Nếu không thay đổi, CLB TP.HCM có thể phải đua trụ hạng. Cuộc chiến sẽ khốc liệt, bởi những đội trung bình ở V.League như CLB Nam Định, Hải Phòng hay SLNA đều có lối chơi được định hình sẵn rồi, chứ không vừa đá, vừa mò”, chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận định.

Ngôi á quân năm 2019 khiến CLB TP.HCM tin chỉ cần đổ nhiều tiền hơn, đội sẽ đá đẹp và vô địch. Tuy nhiên, cựu HLV Ninh Bình chỉ ra sai lầm chiến lược của CLB TP.HCM: “Làm bóng đá khác với làm kinh tế. Anh bỏ ra 10 đồng thì mua được 1 cái ly, bỏ ra 20 đồng thì mua 2 cái ly. Nhưng làm bóng đá, anh bỏ ra 10 đồng mua cầu thủ thì thắng, song chi 20 đồng mua cầu thủ có khi lại thua”.

HLV Polking muốn CLB TP.HCM đá tấn công, nhưng nhân sự ông đang có không phù hợp với lối chơi này. Ảnh: Quang Thịnh.

BLV Vũ Quang Huy cũng phân tích: “CLB TP.HCM có tiềm lực và khát vọng, không tiếc tiền đầu tư, nhưng lại nôn nóng và vội vã”. Sự nóng vội khiến đội bóng này đập đi xây lại theo từng năm, khi cái cũ chưa bị loại bỏ, cái mới chưa kịp thành hình.

Nếu CLB Hà Nội hay HAGL có bộ khung chơi với nhau nhiều năm, đội TP.HCM hiện tại là một mớ hỗn độn. 11 lượt thay thế ngoại binh trong 14 tháng và thay thế quá nửa đội hình, CLB chủ sân Thống Nhất xây dựng cầu thủ không theo quy tắc, trình tự nào.

Hai phần ba đội TP.HCM, với lớp cầu thủ nội chủ yếu thuộc thế hệ cuối 8X, đầu 9X, vẫn quen với cách đá phòng ngự và “khoán trắng” việc ghi bàn cho tiền đạo ngoại (từng là màu sắc chủ đạo ở V.League). Những cầu thủ tấn công hiện đại như Lee Nguyễn, Dario, Paulo lại không nhìn về một hướng.

Xung đột trong lối chơi khiến CLB TP.HCM trở nên mong manh, dễ vỡ. 9 bàn thua sau 6 trận đầu mùa (mới giữ sạch lưới 2 trận) là minh chứng cho một TP.HCM “đầu voi, đuôi chuột”. Là cầu nối sáng tạo tuyến giữa, Lee Nguyễn không thể chứng tỏ khả năng khi hậu phương và tiền tuyến đều gặp vấn đề.

Cựu tiền vệ HAGL vẫn chơi nỗ lực. Anh được Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng và HLV Polking trực tiếp động viên để lên tinh thần, nhưng một mình Lee Nguyễn là không đủ. Ở tuổi 34, anh đang phải gánh trên vai áp lực kỳ vọng vô lý về thứ bóng đá đẹp đẽ và phải cáng đáng quá nhiều công việc trên sân.

Chấn thương ở trận gặp HAGL là hệ quả nhãn tiền. Với mật độ 5 ngày một trận, Lee Nguyễn có đáp ứng nổi, khi anh là mục tiêu săn đuổi của nhiều hậu vệ, tiền vệ trong những trận tới?

Hình ảnh hỗn loạn của CLB TP.HCM trước HAGL trong 30 phút vắng Lee Nguyễn là hồi chuông cảnh tỉnh cần thiết. Xây nhà từ nóc, đội bóng này có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.