Theo tiết lộ của Xuân Trường, ông Miura đề cao tính kỷ luật trong phòng ngự, còn về mặt trận tấn công thì khá phóng khoáng, không quá áp đặt việc cầu thủ phải chơi một cách rập khuôn. Tuy nhiên đó là trên lý thuyết. Trên sân khi thực hành, điều đó không đồng nghĩa với việc cầu thủ lạm dụng những động tác ngẫu hứng hoặc thích làm gì thì làm.
"Mình nhớ trong một buổi tập kiểm soát bóng, đối kháng hai đội với nhau, mình có làm một động tác đánh gót. Đó là tình huống chuyền bóng bằng gót chân cho đồng đội rất đẹp, nhưng mình vẫn bị nói là phải chơi đơn giản thôi."
"Có một lần khác, Văn Thanh sử dụng kỹ thuật Rabona, xong cũng bị HLV Miura quát cho căng thẳng luôn. Mặc dù những tình huống bóng tốt, nhưng ông Miura không thích việc các cầu thủ xử lý rườm rà."
"Chỉ có một vài cầu thủ được ưu tiên sử dụng nhiều những động tác kỹ thuật, một trong số đó là Công Phượng". Xuân Trường nói.
Dù không được chơi bóng theo ý thích, nhưng Xuân Trường vẫn giữ ấn tượng tốt về HLV Miura. Theo cựu sao HAGL, nhà cầm quân xứ sở mặt trời mọc là người rất kỹ lưỡng, chi tiết và chuyên nghiệp. Bằng chứng là trước khi mỗi giải đấu bắt đầu, ông thường có thói quen họp riêng với từng cầu thủ. Mục đích là để nhận xét trong quá trình vừa rồi mọi thứ đã diễn ra như thế nào; tập luyện, tiến bộ ra sao; điểm mạnh điểm yếu là gì, có những gì cần phải thay đổi phát triển. Ngoài ra, đó cũng là lúc cầu thủ có thể nói ra những suy tư, hay những băn khoăn mà bấy lâu nay chưa có dịp được trò chuyện cùng các HLV trưởng. “Nếu HLV làm tốt ở khâu này, các cầu thủ ít được đá hơn sẽ giữ được tinh thần ổn định và không bị nản chí. Đó cũng chính là việc duy trì được sức mạnh của đội bóng”, Xuân Trường nói.