Sau ba năm, Man Utd một lần nữa "thay tướng" giữa dòng. Hàng loạt đầu báo lớn tại Anh như Telegraph, Daily Mail, ESPN,... đưa tin đội bóng thành Manchester đã cắt hợp đồng với nhà cầm quân người Na Uy.
Phong độ yếu kém (chỉ thắng một trong bảy trận gần nhất), lối chơi tệ hại của Man Utd cùng sự bạc nhược trong phong cách chỉ đạo là những nguyên nhân khiến HLV Ole Solskjaer phải ra đi. Tuy nhiên, cựu HLV Molde FK không phải vấn đề duy nhất của Man Utd. Hàng loạt vướng mắc đang đặt ra, chờ đợi HLV tiếp theo của "Quỷ đỏ" tháo gỡ.
Tàu đắm
Vài giờ sau trận thua 1-4 nhục nhã của Man Utd trước Watford, cây bút Oliver Holt của Daily Mail có bài viết với tựa đề: "HLV Solskjaer không phải người có lỗi duy nhất". Trát sa thải cùng những chỉ trích dành cho Solskjaer là điều dễ đoán, nhưng HLV người Na Uy không phải người tạo ra lỗ rò khiến "chiến hạm" Man Utd chìm xuống đáy biển.
"Trong thất bại này của Man Utd, Phó Chủ tịch Ed Woodward và Giám đốc điều hành Richard Arnold nên cảm thấy có lỗi. Họ đã quá mải mê chạy theo lợi nhuận", Holt phân tích.
HLV Solskjaer đáng bị chỉ trích khi không xây dựng được cho Man Utd lối chơi và cá tính rõ nét - thứ từng làm nên thương hiệu "Quỷ đỏ" dưới thời Sir Alex Ferguson. Tuy nhiên, thượng tầng Man Utd cũng sa đà vào những quyết sách sai lầm, phung phí trong chuyển nhượng dẫn tới những bản hợp đồng hao tốn tiền của nhưng kém hiệu quả.
Cách sử dụng HLV sau giai đoạn hoàng kim của Ferguson cũng cho thấy Man Utd không có định hướng chuyên môn. "Quỷ đỏ" bổ nhiệm HLV được Ferguson lựa chọn (David Moyes), tin HLV giỏi xây nền móng (Louis van Gaal), sử dụng HLV thích chinh phục danh hiệu (Jose Mourinho), rồi trở lại với những cố nhân từng giúp CLB thành công (Solskjaer).
HLV tại vị lâu nhất là Solskjaer chỉ có ba năm đắp nền. Sau chín năm, Man Utd vẫn chưa tìm được hình thù cụ thể. Khi tiếp quản Man Utd, Solskjaer phải sử dụng đội hình "hổ lốn" mà mất tới ba mùa giải, tương đương sáu kỳ chuyển nhượng, ông vẫn chưa thể thanh lọc hết.
Ngay cả niềm tin mù quáng vào Solskjaer cũng cho thấy sự lúng túng, bị động của lãnh đạo "Quỷ đỏ". Trước khi Man Utd rơi vào khủng hoảng, gia đình Glazer đã có ít nhất hai cơ hội sa thải Solskjaer, sau những trận thua muối mặt trước Liverpool và Man City.
"Man Utd chưa muốn sa thải HLV Solskjaer bởi họ không có kế hoạch nào khác. Giới chủ CLB không nghĩ đội bóng chìm sâu đến mức này", Paul Scholes nhận định sau trận thua Man City. Sự chần chừ khiến Man Utd để lỡ Antonio Conte - HLV sẵn sàng dẫn dắt "Quỷ đỏ", nhưng chuyển hướng sang Tottenham do không thể chờ đợi lâu hơn.
Lúc này, Man Utd tập trung đàm phán với Zinedine Zidane. Đẳng cấp của nhà cầm quân người Pháp là không phải bàn cãi, khi ông có số danh hiệu Champions League trong ba năm nhiều bằng cả lịch sử Man Utd.
Nhưng Zidane thành công tại Real Madrid nhờ hiểu rõ ADN chiến thắng của CLB và có đội hình xuất chúng. Man Utd không có cả hai yếu tố này. Sắc tố "Quỷ đỏ" đã nhạt nhòa bởi thất bại triền miên, còn chất lượng cầu thủ Man Utd bị thổi phồng quá nhiều so với giá trị thực.
Trở lại Old Trafford, ông sẽ gặp lại Cristiano Ronaldo, song là khi học trò đã già đi bốn tuổi, cùng Raphael Varane đang vật lộn với chấn thương. Phần còn lại của Man Utd không thể sánh bằng đẳng cấp với bộ khung được xây sẵn của Real Madrid.
Trách nhiệm của cầu thủ
Cựu hậu vệ Patrice Evra tiết lộ: Huyền thoại Thierry Henry của Arsenal từng rủ anh tới nhà xem đá bóng. Khi bật TV và thấy Granit Xhaka đeo băng đội trưởng "Pháo thủ", Henry lập tức ấn nút tắt.
Đó là cảm giác của nhiều cựu danh thủ Man Utd khi thấy Harry Maguire đeo băng thủ quân "Quỷ đỏ". Maguire không thể so sánh về trình độ với những đội trưởng cũ của Man Utd như Rio Ferdinand, Ryan Giggs,... Và cả về tinh thần thi đấu, Maguire càng không có tư cách thủ lĩnh.
Tình huống rê bóng thẳng vào hướng chạy tiền đạo Watford, để mất bóng rồi tự phạm lỗi dẫn đến thẻ đỏ của Maguire là tiêu biểu cho sự kém cỏi của Man Utd. Maguire có thể thua kém về trình độ, nhưng sự hời hợt, yếu đuối cả về thái độ là sự đả kích rất lớn với truyền thống của Man Utd.
Maguire không phải cầu thủ duy nhất thiếu nghiêm túc với màu áo "Quỷ đỏ". Paul Pogba, Anthony Martial,... đều thiếu nhiệt huyết tương tự. Sir Alex từng thành công với những cái tên "bình dân", nhưng tận hiến vì CLB như John O'Shea, Park Ji Sung.
HLV Solskjaer thiếu những cầu thủ như thế. Dưới tay ông là một đội quân ô hợp và thiếu khát vọng. Điều này không chỉ thể hiện dưới thời HLV Solskjaer. Một chuyên gia săn danh hiệu như Mourinho cũng bất lực khi huấn luyện dàn sao Man Utd. Khó trách Solskjaer ở khía cạnh này, vì trình độ học trò của ông có lẽ chỉ đến vậy.
Cách đây ba năm, sự xuất hiện của Solskjaer đã thúc đẩy tinh thần Man Utd. Đội chủ sân Old Trafford thi đấu ấn tượng trong hai tháng, ngược dòng trước PSG để vào tứ kết Champions League. Tuy nhiên, hưng phấn ấy chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn ngủi.
Hiệu ứng tích cực có thể sẽ đến khi ghế HLV Man Utd một lần nữa đổi chủ, nhưng "Quỷ đỏ" khó tiến xa với nền tảng yếu kém này.