Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng, Xuân Trường... Những cái tên nổi danh trong nước, nhận được nhiều sự chú ý của người hâm mộ dưới thời HLV Park Hang Seo, có sự nghiệp thi đấu trong nước thăng hoa nhưng khi ra nước ngoài chơi cho các CLB ngoại quốc lại không đạt được thành tích nổi bật. Dù mỗi cầu thủ đến một nước khác nhau để học hỏi, thi đấu nhưng đa số khi về nước đều có chung một điểm là làm lại từ đầu vì không có gì tiến bộ sau quá trình cọ xát tại môi trường quốc tế. Có nhiều lý do dẫn đến điều này.
Trước hết, xét về thể lực. Các cầu thủ Việt có xu hướng thấp bé hơn các cầu thủ nước ngoài, do vậy khi cạnh tranh về thể lực, cầu thủ Việt thường kém cạnh hơn. Ở Việt Nam, những cầu thủ cao khoảng 1m80 đã được cho là hình mẫu lý tưởng, trong khi tại một số nền bóng đá phát triển, con số này chỉ là mốc trung bình. Thời gian gần đây, ĐTQG cũng như các CLB ở Việt Nam đã tập trung cải thiện vấn đề này cho cầu thủ, tuy nhiên vẫn chưa như mong đợi. Mới đây nhất, trong trận ĐTVN đấu Hàn Quốc trong loạt trận FIFA Days Tháng 10, siêu sao Son Heung-min đã có lời góp ý cho các cầu thủ Việt Nam nên cải thiện chế độ ăn uống, tập luyện để nâng cao thể trạng.
Tuy nhiên vóc dáng, thể hình không phải yếu tố tiên quyết ấn định thành công của cầu thủ. Có thể thấy cầu thủ Chanathip Songkrasin của Thái Lan, tuy cũng sở hữu thể hình nhỏ con nhưng lại rất thành công tại Nhật Bản. Công Phượng của Việt Nam cũng đang thi đấu tại đất nước mặt trời mọc này nhưng lại rất mờ nhạt, không thể hiện được kỹ năng gì dù thời gian chơi bóng trong nước, Công Phượng được đánh giá khá cao về kỹ năng chuyên môn.
Xét về kỹ năng chơi bóng, hiếm cầu thủ nào ở Việt Nam có kỹ năng vượt trội, có thể thích nghi với mọi lối đá. Một số cầu thủ khi chơi trong nước được đánh giá cao nhưng thi thay đổi môi trường, phải làm quen với những phong cách đá mới thì chưa tận dụng được kỹ năng vốn có của bản thân. Các cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu thường ở độ tuổi rất trẻ, đi với tâm thế học hỏi, giao lưu cộng thêm trước đó chưa được cọ xát nhiều với các quốc gia mạnh về môn thể thao vua. Sức trẻ là lợi thế với các cầu thủ này nhưng kinh nghiệm cũng là yếu tố quan trọng. Các cầu thủ Việt Nam thi đấu tại CLB nước ngoài hiếm khi có cơ hội thể hiện mình. Nhiều lần, người hâm mộ nước nhà mong mỏi chờ đợi những cái tên của Việt Nam được ra sân thi đấu nhưng rồi lại thất vọng, vì cơ hội chạm bóng còn khó nói gì đến cơ hội ghi bàn, chứng minh bản thân.
Bên cạnh lý do liên quan đến thể trạng và kỹ năng còn có lý do về việc bất đồng "ngôn ngữ" của các cầu thủ Việt với đồng đội nước ngoài. Ngôn ngữ ở đây không chỉ là tiếng nói, giao tiếp mà còn là văn hoá, phong cách khác biệt của mỗi quốc gia. Trong cơ sở dữ liệu của Football Manager, chỉ số thích nghi của cầu thủ Việt Nam rất thấp, dẫn đến đặc điểm là không muốn ra nước ngoài thi đấu. Cựu cầu thủ Lê Công Vinh từng chia sẻ về quãng thời gian khó khăn khi anh đến Leixoes (Bồ Đào Nha): "Những cầu thủ châu Âu hoặc gốc Latinh trong đội hình Leixoes không chào đón tôi. Họ nhìn tôi với thái độ hơi coi thường... Không thể hòa nhập và nói chuyện, tôi cũng không có một quả bóng nào trong suốt hai tháng đầu. Không ai chuyền bóng cho tôi, dù chỉ là một trận đá tập." Ở thời điểm hiện tại, các cầu thủ được chú trọng hơn về ngoại ngữ, tuy nhiên cũng chỉ dừng ở mức giao tiếp cơ bản còn để thấm nhuần tư tưởng, triết lý của HLV người nước ngoài thì dường như không thể.
Trong số các cầu thủ trẻ có tiếng hiện nay thi đấu tại CLB nước ngoài chỉ có Văn Toàn là ghi được dấu ấn tại Hàn Quốc, trong màu áo CLB Seoul E-Land. Dù chưa thể có cho mình pha lập công trong màu áo đội bóng này nhưng Văn Toàn cũng sở hữu những thống kê ấn tượng khiến người hâm mộ nước nhà phần nào "nở mày nở mặt".
Bên cạnh đó, người hâm mộ lại tỏ ra tiếc nuối với các chân sút như Quang Hải, Văn Hậu và bây giờ là Công Phượng. Nhiều người cho rằng quãng thời gian thi đấu tại nước ngoài đã làm mất thời gian toả sáng của các cầu thủ này tại nước nhà. Thậm chí sau thời gian dài chỉ ngồi dự bị, không được ra sân thi đấu, các cầu thủ còn có dấu hiệu xuống phong độ.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, việc các cầu thủ top đầu của Việt Nam ra nước ngoài cọ xát với môi trường bóng đá quốc tế cũng là điều tốt để chúng ta nhìn vào, xem còn điểm nào bóng đá nước ta chưa được như nước bạn, từ đó có các phương án cải thiện, phát triển bóng đá nước nhà.