Trợ lý ngôn ngữ Anh Thắng 'Phú Thọ sẽ sớm triển khai một dự án bóng đá học đường'

Hoàng Gia

Nhân dịp tỉnh Phú Thọ được Liên đoàn bóng đá Việt Nam lựa chọn là nơi sẽ diễn ra một bảng của môn Bóng đá nam SEA Games 31, Phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với anh về sự chuẩn bị của đội tuyển (ĐT) U23 Việt Nam.

Phóng viên: Là trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang-seo, xin anh có thể cho biết đội tuyển U23 đã có sự chuẩn bị như thế nào cho SEA games 31?

bongda 2



Anh Thắng: Kể từ sau chiến tích giành HCV môn bóng đá nam SEA games 30 tại Philippines, đội U23 đã liên tục tập trung từ năm 2020 đến tận bây giờ. Trải qua rất nhiều đợt tuyển chọn, huấn luyện, sàng lọc, toàn đội cũng đã có được những sự chuẩn bị tốt, sau khi vượt qua vòng loại U23 Châu Á tại Kyrgysztan vào cuối năm ngoái, U23 Việt Nam cũng vừa tham gia giải đấu giao hữu Dubai Cup tại UAE cuối tháng 3. Tôi nghĩ rằng thầy Park và ban huấn luyện đang cố gắng hết sức chuẩn bị cho SEA games 31.

Phóng viên: Xin anh cho biết cảm nhận và những đánh giá về công tác chuẩn bị của tỉnh Phú Thọ khi được chọn là sân nhà của ĐT U23 Việt Nam? Mục tiêu của thầy trò HLV Park Hang-seo đặt ra là gì tại SEA games 31 này?

Anh Thắng: Là người con của Phú Thọ, tôi cũng được biết tỉnh nhà đã có những sự đầu tư, chuẩn bị rất kỹ càng cho SEA games 31. Vào cuối năm 2020, trận đấu giữa U23 VN và ĐTQG VN đã diễn ra rất tốt đẹp tại sân Việt Trì. Các công tác chuẩn bị từ an ninh, di chuyển, ăn ở đều được đánh giá rất cao. Đặc biệt là mặt sân Việt Trì cũng rất tốt. Về mục tiêu của đội U23, có lẽ bất cứ ai trong chúng ta đều hướng tới việc bảo vệ thành công tấm HCV mà U23 VN đã đạt được ở kỳ SEA games trước. Tất nhiên trong bóng đá không thể nói trước điều gì, HLV trưởng Park Hang-seo cùng các trợ lý đang nỗ lực hết sức để đem đến những màn trình diễn tốt nhất của U23 trong giải đấu SEA games 31 tại VN.

bongda 11



Phóng viên: Được biết ngoài công việc trợ lý ngôn ngữ Hàn -Việt cho HLV Park hang Seo tại ĐTBĐQG U23 VN, anh cũng đảm nhận việc phiên dịch tiếng Anh, Pháp trong đội. Anh có thể chia sẻ những khó khăn của công việc trợ lý ngôn ngữ trong đội tuyển bóng đá quốc gia, đặc biệt là khi phải dịch đồng thời tiếng Hàn- Việt –Pháp-Anh?

Anh Thắng: Từ nhỏ tôi đã học chuyên tiếng Anh, tới cấp 3 thì học chuyên Pháp tại Trường THPT chuyên Hùng Vương, tới lúc học đại học cũng học chuyên ngành Pháp, sau đó tôi tu nghiệp ở Hàn Quốc sáu năm. Dù vậy nhiều lúc tôi cũng nghĩ thà “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, học nhiều ngôn ngữ quá mà không biết sau này vận dụng thế nào. Ban đầu gần như tôi chỉ dịch Hàn-Việt cho HLV trưởng Park Hang-seo và ban huấn luyện người Hàn. Sau này có thêm các trợ lý đến từ châu Âu và họ dùng tiếng Anh, tiếng Pháp. Do thiếu phiên dịch nên tôi đảm nhận luôn cả nhiệm vụ ấy. Nhiều khi một mình dịch mấy thứ tiếng qua lại cũng rất mất thời gian và mệt. Nhưng tôi luôn coi đó là những trải nghiệm quý giá và có ý nghĩa. Nó khiến tôi trau dồi, ôn luyện lại kiến thức, và mạnh mẽ, bản lĩnh hơn nhiều trong công việc.

Phóng viên: Có thể khẳng định rằng việc tổ chức một bảng bóng đá nam tại Seagames 31 tại Phú Thọ sẽ trở thành đòn bẩy cho bóng đá tỉnh nhà. Bản thân anh có kì vọng như thế nào vào bóng đá Phú Thọ?

Anh Thắng: Tôi cho rằng đây là một thành công lớn của ngành thể thao tỉnh nhà. Không chỉ đem đến những trận đấu cho khán giả địa phương, đây còn là một cú hích để Phú Thọ có thể ghi dấu ấn với người hâm mộ thể thao cả nước, hướng tới trở thành một điểm đến lý tưởng cho các giải đấu bóng đá nói riêng và thể thao nói chung. Bên cạnh những thành tích của CLB Phú Thọ, tôi rất kỳ vọng vào việc Phú Thọ cũng có thể sản sinh ra những nhân tài bóng đá để đóng góp cho địa phương và đất nước. Cá nhân tôi cũng đang được HLV Park và thầy Lee cùng thành viên BHL trên đội tuyển Quốc gia hỗ trợ để triển khai một dự án bóng đá học đường cho tỉnh Phú Thọ. Tôi hy vọng sẽ sớm có thể hiện thực hóa ước đó và nỗ lực đóng góp cho nền bóng đá nói riêng và ngành thể thao tỉnh nhà nói chung.

Phóng viên: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!